Vĩnh Thuận, Kiên Giang: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 03:45, 23/08/2018

(Moitruong.net.vn)

Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2016-2020, huyện Vĩnh Thuận đã tập trung chỉ đạo các ngành các cấp đẩy mạnh phát triển sản xuất nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm hàng hóa; nhất là ngành nông nghiệp. Tập trung rà soát đẩy mạnh điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp, cơ cấu lại giống, cây trồng, vật nuôi đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ trọng ngành nông nghiệp đóng góp vào giá trị sản xuất của huyện chiếm tỷ trọng cao, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 8,86%, trong đó giá trị tăng thêm của nông nghiệp là 3,73%, thủy sản là 13,53%.

Tuy nhiên, chủ trương thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn chậm, sản xuất nhỏ lẻ, tự phát phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Tình hình biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập đã làm cơ cấu vật nuôi, cây trồng một số vùng không còn phù hợp, hiệu quả kinh tế chưa ngang tầm với tiềm năng đất đai,… từ đó hiệu quả, giá trị kinh tế mang lại chưa cao.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Vì vậy, theo quy hoạch tổng thể về phát triển nông nghiệp, thủy sản đến năm 2020 của huyện cần có sự điều chỉnh cho phù hợp, nhất là điều chỉnh về đất sản xuất nông nghiệp và gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hịệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030.

Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất tập trung, chuyên canh dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế địa phương gắn với xây dựng thương hiệu đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn vốn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đối khí hậu.

Theo đó, đến năm 2020 diện tích đất gieo trồng lúa cả năm là 24.182ha, lúa 02 vụ 5.091 ha, lúa trên nền tôm 14.000 ha; năng suất bình quân đạt 5,69 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 137.583 tấn. Diện tích rau – màu 1.200ha, chủ yếu là dưa hoàng kim, bầu, bí… năng suất bình quân 25 tấn/ha, sản lượng 37.500 tấn. Diện tích cây trồng khác 3.981,83 ha, trong đó tiện tích khóm 1.500 ha, sản lượng đạt 52.067 tấn. Nuôi trồng và khai thác thủy sản phấn đấu đến năm 2020 diện tích nuôi tôm là 27.689ha (trong đó: diện tích nuôi tôm – lúa 14.000ha, diện tích chuyên tôm 13.489ha; nuôi tôm bán thâm canh 200 ha. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 27.726 tấn, trong đó: sản lượng khai thác 1.200 tấn, sản lượng nuôi trồng 26.526 tấn (tôm nuôi 14.547 tấn). Tổng đàn chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt 215.200 con, trong đó, đàn heo 15.000 con, đàn trâu, bò 200 con, đàn gia cầm 200.000 con.

Định hướng đến năm 2030 diện tích gieo trồng lúa cả năm 23.8l0ha, sản lượng ước đạt 127.993 tấn (Diện tích lúa 2 vụ còn lại 1.500ha, lúa nền tôm 20.810 ha); phấn đấu giữ ổn định diện tích sản xuất rau màu hàng năm đạt 1.200 đến 1.500 ha, khóm 1.500ha. Sản lượng thủy sản ước đạt 37.173 tấn (trong đó, khai thác 1.300 tấn, nuôi trồng 35.873 tấn, riêng tôm nuôi ước đạt 18.873 tấn).

Áp dụng các mô hình phát triển mới, hiệu quả

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Vĩnh Thuận đến năm 2020, tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt, bổ sung các quy hoạch mới theo yêu cầu cơ cấu lại ngành, phát triển các sản phấm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, có thế mạnh, thị trường có nhu cầu cao. Thực hiện công khai, minh bạch, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, nhất là đối với tình hình sản xuất ở các xã, thị trấn.

Tăng cường liên doanh, liên kết và sự tham gia cua “4 nhà” và nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp. Từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của nông dân, gắn với thương hiệu các doanh nghiệp và kết nối thị trường, theo hướng: Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế hộ nông dân hình thành các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản thành lập doanh nghiệp, chủ động gắn kết với sản xuất của hộ nông dân; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất hình thành các chuỗi giá trị, hoặc liên kết một số khâu như hợp tác về thủy lợi nội đồng, bơm tưới, phòng trừ dịch bệnh.

Tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng cao

Tập trung tạo bước chuyến mạnh mẽ trong ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là đối với doanh nghiệp; trước mắt, tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn: giống, công nghệ cao, công nghệ sinh học, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, quy trình sản xuất hiện đại như: chuyển giao công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi quy mô nhỏ; áp dụng quy trình sản xuất VietGap; từng bước hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ứng dụng công nghệ sinh học để chủ động kiểm soát dịch hại trên cây trồng, vật nuôi, chế biến nông sản và xử lý môi trường. Sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong lập, quản lý quy hoạch, công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy. Tập trung các nguồn vốn đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư vào phát triển các sản phấm nông nghiệp hàng hóa chủ lực: hạ tầng nuôi tôm thâm canh, công nghiệp; hạ tầng vùng sản xuất giống; bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch; chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển thị trường; các công trình thủy lợi cho thủy sản; duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê, cống để ứng phó với biến đổi khí hậu (nước mặn xâm nhập) nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao chất lượng quá trình lựa chọn dự án; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, thiếu đồng bộ; tập trung đầu tư dứt điểm các công trình, sớm đưa vào khai thác, phục vụ sản xuất. Nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng đầu tư công. Từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của huyện gắn với thương hiệu của các doanh nghiệp và kết nối thị trường tiêu thụ. Cơ quan chuyên môn làm đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuẫt, doanh nghiệp đầu tư đầu vào giống, vật tư, quy trình kỹ thuật, tố chức bao tiêu đầu ra.

Ưu tiên công tác giống, xây dựng các cơ sở nhân giống lúa, giống vật nuôi, thủy sản nòng cốt là các hợp tác xã sản xuất đảm bảo chủ động nguồn giống có chất lượng cao, an toàn dịch bệnh cho phát triến sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn và đồng nhất về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân đảm bảo triển khai đến từng hộ nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong sản xuất và quản lý dịch bệnh.

Xây dựng mô hình cánh đồng lớn “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, mô hình “4 tốt” gắn với với bao tiêu sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, phối hợp thanh tra, kiếm tra, quản lý chặt chẽ đối với các loại vật tư đầu vào như: giống, thuốc, hóa chất, sản phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học và sản phẩm cải tạo môi trường trong nuôi thủy sản. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật. Thường xuyên chấn chỉnh công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm nông, thủy sản, công tác giết mổ, vệ sinh thú y và vật tư nông nghiệp.

Trương Anh Sáng

Trương Anh Sáng