Thanh Hóa: Phát triển đồng bộ 5 trụ cột kinh tế biển

Kinh tế - Ngày đăng : 03:30, 23/10/2018

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã xuất xưởng thành công lô sản phẩm thương mại đầu tiên, xăng RON 92, ngày 1/5/2018. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020,” Thanh Hóa đã vượt lên trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế biển và khẳng định vị thế một trong ba trung tâm kinh tế công nghiệp, hàng hải, du lịch và dịch vụ lớn nhất ở khu vực ven biển Vịnh Bắc Bộ.

>>>Mexico chuẩn bị đón bão lớn mạnh cấp 5

>>>Giá xăng giảm 224 đồng/lít sau đợt tăng mạnh

Với lợi thế có 102km bờ biển, lại có cảng nước sâu Nghi Sơn, Thanh Hóa đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh trong phát triển kinh tế biển.

Liên tục trong 10 năm qua Thanh Hóa đã dành nguồn lực lớn thực hiện đồng bộ 5 trụ cột phát triển kinh tế biển gồm khai thác, chế biến dầu khí; khai thác, chế biến hải sản; phát triển du lịch biển; xây dựng các khu kinh tế ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển và xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế hàng hải.

Với quyết tâm cao và cách làm sáng tạo, đến nay Thanh Hóa đã vượt lên trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế biển và hướng tới mục tiêu sớm trở thành tỉnh mạnh từ biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, là tỉnh có thế mạnh rất lớn về kinh tế biển nên Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả để phát triển kinh tế biển.

Cùng với đó, tỉnh cũng coi đây là đầu tầu thu hút các dự án đầu tư, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội và gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển; đồng thời không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Các tiểu thương thu mua cá tại cảng cá Lạch Hới, Sầm Sơn. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Trong quá trình thực hiện phát triển 5 trụ cột phát triển kinh tế biển, Thanh Hóa chú trọng đưa Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành đầu tầu thúc đẩy nền kinh tế của cả tỉnh. Theo đó các doanh nghiệp đầu tư vào khu Kinh tế Nghi Sơn được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.

Ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho hay, đến thời điểm hiện tại, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 197 dự án được đầu tư tại đây; trong đó có 178 dự án trong nước với nguồn vốn lên đến 110.000 tỷ đồng, 19 dự án FDI với tổng nguồn vốn đầu tư gần 13 tỷ USD.

Đặc biệt, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn được đầu tư với nguồn vốn 9,3 tỷ USD, đây cũng là dự án có quy mô lớn nhất Việt Nam. Đến nay nhà máy đã đi vào hoạt động và cho 12 loại sản phẩm lọc dầu và lọc hóa dầu. Ngoài ra trong khu kinh tế này còn có các ngành công nghiệp nặng như nhiệt điện, xi măng, nhà máy thép Nghi sơn… đứng đầu cả nước.

Tại khu kinh tế Nghi Sơn này tỉnh Thanh Hóa dự kiến kêu gọi đầu tư xây dựng 50 bến cảng, trong đó đã có 11 bến cảng đã đi vào hoạt động với công suất bốc dỡ hàng hóa đạt 100% và đã đón được tàu có công suất 70.000 tấn. Trong năm 2017 các bến cảng đã bốc dỡ được 15 triệu tấn hàng hóa, năm 2018 dự kiến là 18 triệu tấn.

Ngoài ra, khu kinh tế này cũng tạo việc làm cho 62.000 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng và dự kiến đóng góp ngân sách cho tỉnh Thanh Hóa trong năm 2018 lên đến 11.000 tỷ đồng.

Về khai thác và chế biến hải sản, thời gian qua, Thanh Hóa đã chú trọng đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật nghề cá để vươn khơi bám biển, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy, hải sản. Tính đến đầu tháng 10, sản lượng khai thác thuỷ, hải sản đạt 120 nghìn tấn.

Cùng đó, các ngành chức năng, các địa phương ven biển cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển; tuyên truyền đánh bắt thủy sản theo đúng pháp luật, khai thác theo đúng ngư trường cho phép, tránh tình trạng khai thác tận diệt, quá sản lượng…

Không những thế, tại các khu neo đậu tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm đầu tư. Đến nay, đã đưa vào sử dụng 3 cảng cá (Hòa Lộc-huyện Hậu Lộc, Lạch Hới-thành phố Sầm Sơn và Lạch Bạng-huyện Tĩnh Gia); 4 bến cá (Hoằng Trường, Hoằng Phụ-huyện Hoằng Hóa, Quảng Nham-huyện Quảng Xương, Hải Châu-huyện Tĩnh Gia). Tỉnh Thanh Hóa cũng đang xây dựng 1 khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền Sông Lý – huyện Quảng Xương, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Đáng lưu ý, trong lĩnh vực phát triển du lịch biển, Thanh Hóa cũng đã có nhiều đột phá. Riêng giai đoạn 2007-2017, tỉnh đã có tới 28 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng được triển khai với tổng dự toán trên 3.000 tỷ đồng; trong đó có 20 dự án hoàn thành, 8 dự án chuyển tiếp.

Đặc biệt, Quần thể du lịch sinh thái FLC với diện tích 459 ha với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành và đi vào hoạt động tạo sự đột phá cho du lịch Sầm Sơn, cải thiện tính chất du lịch một mùa.

Mặt khác, Thanh Hóa cũng đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến, nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch đang triển khai như: Khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ (thành phố Sầm Sơn), khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn, khu du lịch biển Hải Ninh, du lịch sinh thái biển đảo Mê…

Chính vì vậy, trong 10 năm qua du lịch biển Thanh Hóa đón 30,5 triệu lượt khách, phục vụ trên 57 triệu ngày khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18%/năm. Ngành du lịch biển cũng tạo công ăn việc làm cho khoảng 15.800 lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh du lịch ven biển; trong đó 11.300 lao động được đào tạo nghiệp vụ du lịch.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong thời gian tới, Thanh Hóa chú trọng tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng biển, hải đảo, nhất là các lĩnh vực giao thông đường bộ, bến cảng.

Với các khu du lịch và tuyến du lịch biển được kết nối, hỗ trợ nhau phát triển tỉnh cũng tăng cường đầu tư, trang bị phương tiện hiện đại, tàu thuyền, nhân lực cho lực lượng biên phòng, các lực lượng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để kết hợp tuần tra, kiểm soát với việc phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Hơn nữa, tỉnh cũng đặc biệt xây dựng, nâng cấp các trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, cứu hộ, cứu nạn trên các đảo để hỗ trợ cho tàu cá khai thác hải sản xa bờ có điều kiện bám biển dài ngày nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và giảm chi phí chuyến đi.

TTXVN

TTXVN