Kiên Giang: Dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Kinh tế - Ngày đăng : 13:04, 22/11/2018
– Qua 08 năm (2010- 2018) thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là khu vực nông thôn đã từng bước nâng cao nhận thức, thói quen canh tác, tác phong làm việc của lao động theo hướng tiếp cận với tác phong công nghiệp; sau học nghề người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập, giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị; đồng thời góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương.
>>> Chưa hết năm 2018, thiên tai đã gây thiệt hại 15.000 tỷ đồng
>>>Giá xăng dầu liên tiếp giảm mạnh, xăng RON 95 về dưới 20.000 đồng/lít
Đào tạo nghề lao động nông thôn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ước tính đến năm 2018 đạt 48%. Đào tạo được cấp chứng chỉ, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề nông nghiệp theo chính sách của Đề án 1956 từ năm 2010 đến 9 tháng đầu năm 2018 là 53.782 người, đạt 65,3% so với kế hoạch của cả giai đoạn (82.318 người), trong đó, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 53.782 người. Tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo phân theo các nhóm đối tượng theo định hướng, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là lao động làm trong các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản của doanh nghiệp là 154 người; lao động là thành viên các hợp tác xã là 75 người; lao động thuộc diện chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội nông thôn là 53.553 người.
Lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức ở địa phương, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật các chương trình, dự án, từ năm 2010 đến 9 tháng đầu năm 2018 là 144.790 người, trong đó, tập huấn lĩnh vực trồng trọt là 80.059 người, tập huấn lĩnh vực thủy sản là 32.929 người, tập huấn lĩnh vực chăn nuôi là 31.802 người.
Tổng số lao động nông thôn đã đăng ký tham gia học nghề là 53.782 người. Tổng số lao động đã học xong là 53.111 người, đạt 99%. Số người có việc làm sau học nghề là 42.958 người, chiếm tỷ lệ 80,9 % so với tổng số lao động đã học nghề xong, trong đó, số lao động nông thôn thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã là 303 người, số lao động nông thôn tự do tự tạo việc làm là 41.065 người, số lao động nông thôn được doanh nghiệp tuyển dụng là 1.340 người, số lao động nông thôn được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là 250 người, số hộ gia đình thoát nghèo sau khi học nghề 1.316 hộ, số hộ gia đình có người tham gia học nghề có việc làm trở thành hộ khá, giàu 2.064 hộ.
Trong những năm qua các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng. Thông qua thí điểm các mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực, các sản phẩm từ mô hình được thị trường chấp nhận, mang lại giá trị thương phẩm và hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi cá bống tượng, cá bống mú, nuôi rùa, rắn, kỳ đà (huyện An Minh) tạo thu nhập bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/ người/ tháng; mô hình cá lồng bè (huyện Kiên Hải vàhuyện Kiên Lương) đã nhân rộng trên 800 lồng bè thu nhập bình quân 23 đến 25 triệu đồng/bè/vụ; mô hình nuôi tôm sú, trồng tiêu, trồng lúa chất lượng cao (huyện Kiên Lương), tạo thu nhập bình quân từ 3 đến 5 triệu đồng/ người/ tháng. Tổng số lao động học nghề theo các mô hình trên 2.000 người, đa số lao động nông thôn đều được giải quyết việc làm gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ngoài ra, còn tổ chức mô hình đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 cho ngư dân trong tỉnh. Qua đào tạo nghề đã giúp ngư dân nắm vững nguyên tắc sử dụng, sửa chữa các thiết bị điện tử và máy móc trên tàu, sử dụng thành thạo thiết bị trong khai thác thủy sản, đọc các chi tiết về tọa độ, bản đồ, vùng nước… đặc biệt là sau học nghề ngư dân đã được cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng hội đủ điều kiện cho ngư dân tham gia khai thác, đánh bắt thủy hải sản theo quy định.
Để làm thay đổi nhận thức của lao động nông thôn, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các tổ chức đoàn thể, Ban Chỉ đạo các huyện xây dựng nội dung tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm với nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu nhằm giúp cho lao động nông thôn nắm bắt thông tin được kịp thời chủ trương, chính sách về đào tạo nghề. Tổ chức 09 phiên giao dịch việc làm tại các cụm địa phương (2016 có 04 phiên, năm 2017 có 05 phiên), bình quân có trên 1.000 lao động/phiên được tư vấn học nghề và việc làm. Qua tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là lao động nông thôn quan tâm đầu tư thời gian tham gia học nghề, giải quyết việc làm và tăng thu nhập. Tỷ lệ lao động nông thôn nắm được chủ trương, chính sách của Đề án đạt trên 80%.
Dạy nghề cho lao động nông thôn đã phân cấp trực tiếp về các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho các địa phương lựa chọn ngành nghề đào tạo, chủ động đẩy mạnh phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, vùng, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Trương Anh Sáng