Bảo đảm an ninh năng lượng trong năm 2019
Kinh tế - Ngày đăng : 10:06, 09/12/2018
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, ngày 3/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ bức xúc khi lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết có thể xảy ra nguy cơ thiếu điện ngay đầu năm 2019, do một số nhà máy nhiệt điện thiếu than. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu nền kinh tế thiếu điện sẽ gây ra tác động khôn lường, nếu để mất điện, một số người phải mất chức.
>>>Kinh hoàng phát hiện 20 container rác điện tử ở cảng Sài Gòn
>>>Cần Thơ: Nghịch lý phố ngập mênh mông, ruộng đồng không có nước
Những ngày qua, thông tin về việc rất có thể thiếu điện ngay từ đầu năm 2019 được đưa ra từ EVN khiến dư luận lo lắng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, trước nguy cơ thiếu điện, Bộ đã chỉ đạo EVN tính toán phương án cung ứng điện theo 4 kịch bản.
“Qua tính toán, Bộ Công thương khẳng định cả 4 phương án cho thấy hệ thống đều bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân. Tuy nhiên trong một số trường hợp sẽ phải huy động từ 2-7 tỷ kWh từ các nguồn điện dầu, có thể đắt hơn, nhưng quan trọng nhất Bộ Công thương khẳng định bảo đảm đủ điện trong năm 2019”- ông Hải nói.
Có thể thấy rằng, câu chuyện thiếu điện bắt đầu từ khi EVN công bố báo cáo cho thấy có nguy cơ thiếu điện do thiếu hụt nguồn cung từ thủy điện, trong khi đó lại thiếu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện. EVN cho biết từ đầu tháng 10 đến nay, EVN đã thiếu khoảng 340.000 tấn than.
Nhưng, ở chiều ngược lại, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết vẫn cung cấp đủ than, thậm chí là vượt số lượng theo hợp đồng đã ký với EVN từ đầu năm. TKV cho rằng không phải là thiếu than mà chính các nhà máy nhiệt điện đã không chủ động mua than, không ký hợp đồng cung cấp dài hạn. Khi có hợp đồng cung cấp dài hạn, TKV mới có cơ sở để khai thác và chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Dự kiến năm 2018, TKV khai thác 28,9 triệu tấn than, tăng 22% so với năm 2017. Tổng công ty Than Đông Bắc khai thác 5,8 triệu tấn than, tăng 15% so với năm 2017. Trong khi 98% số than được cung cấp cho nhiệt điện. Năm 2019, theo TKV, dự kiến khai thác 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành nguồn than đảm bảo tiêu chuẩn. Như vậy, sẽ không thiếu than cho nhà máy nhiệt điện.
Còn nhớ, tháng 5/2017, tại Diễn đàn “Năng lượng Việt Nam: Hiện tại và tương lai”, giới chuyên gia và nhà quản lý cũng đã có những ý kiến thẳng thắn về vấn đề điện. Tại đây, ông Hoàng Quốc Vượng- Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong vòng 15 năm, mức tăng trưởng điện năng thương mại liên tục tăng cao và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Và như vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nhu cầu năng lượng.
Theo ông Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam), nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng trong những năm sắp tới, trong khi nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006 -2010 và khoảng 11% trong những năm tiếp theo.
Như vậy, rõ ràng là với sự tăng tốc phát triển kinh tế của đất nước và nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng cao thì việc chuẩn bị nguồn điện là hết sức quan trọng. Trách nhiệm đầu tiên là thuộc về ngành điện. Thông cảm với những khó khăn của EVN, nhưng không thể vì thế mà để đất nước thiếu điện. Tới thời điểm này, ai cũng hiểu điện cần cho cuộc sống đến thế nào. Nhớ lại những năm 80-90 của thế kỷ XX, khi đất nước khó khăn, điện bị cắt luân phiên hết nơi này đến nơi khác, cuộc sống khốn khó đến mức nào. Những gia đình có điều kiện thì đều phải mua máy phát điện dự phòng. Nhưng rồi, bằng nhiều nỗ lực, chí ít thì trong vòng 15 năm qua việc phải cắt điện, mất điện hiếm khi xảy ra. Đó là kết quả rất đáng ghi nhận. Vì thế, tới nay, cảnh báo thiếu điện từ đầu năm tới thực sự khiến người ta lo lắng.
Trên thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng về năng lượng, sản xuất điện từ năng lượng gió, mặt trời, thủy điện, nhiệt điện (trong đó nguồn cung cấp than khá dồi dào). Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường,- Bộ Tài nguyên và Môi trường), mỗi chu kỳ kế hoạch 5 năm tổng sản lượng khai thác than tăng khoảng 1-5 triệu tấn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Còn về thủy điện đạt khoảng 75-80 tỷ kWh với công suất tương ứng đạt 18.000-20.000MW. Trong đó tiềm năng kinh tế của 10 lưu vực sông chính khoảng 85,9% của các lưu vực sông trong cả nước. Đó là chưa kể với năng lượng thủy điện nhỏ (công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30MW) thì có khoảng hơn 1.000 điểm có thể khai thác và cho tổng công suất khoảng 7.000MW.
Về năng lượng mặt trời, Việt Nam nằm trong giới hạn giữa xích đạo và chí tuyến Bắc, thuộc vùng nội chí tuyến có ánh nắng mặt trời chiếu sáng quanh năm, nhất là khu vực Nam Bộ. Với năng lượng gió, đất nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á, lại có một bờ biển dài trên 3.000 km, lãnh hải lớn hơn 3 lần so với lục địa, thì Việt Nam là quốc gia có tiềm năng dồi dào về năng lượng gió…
Có thể nói, đất nước có nhiều dạng năng lượng để sản xuất điện, không chỉ vì thiếu than (nếu đúng như vậy) cho các nhà máy nhiệt điện thì chúng ta sẽ thiếu điện. Quan trọng là làm gì để khai thác tốt những nguồn năng lượng sẵn có để biến chúng thành điện; không phụ thuộc vào một nguồn năng lượng nào. Vì thế, nếu cho rằng chỉ vì thiếu than sẽ thiếu điện là lý do khó chấp nhận, trong khi chúng ta đã có kịch bản và các mô hình dự báo về mối tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và khả năng đáp ứng về nhu cầu nhiên liệu và năng lượng đến năm 2030. Cụ thể, tỷ lệ tiêu thụ điện năng tăng từ 15,2% năm 2010 đến 32,1% năm 2030. Còn đối với tiêu thụ than giảm nhẹ từ 20,1% xuống còn 18,2%.
Nam Việt/ĐĐK