Đắk Lắk: Lại một mùa “mía đắng” khiến người trồng mía điêu đứng
Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 02/03/2019
Theo phản ánh của người dân thôn 1 (xã Hòa Lễ) cho biết: Những năm trước, chúng tôi trồng mía bán cho nhà máy đường ở Cư Jut (Đắk Nông), trung bình thu về 60 triệu đồng/ha. Năm nay bước vào niên vụ thứ hai, để tránh bị thất thu chúng tôi bỏ công sức, đầu tư thêm phân bón chăm sóc cho ruộng mía xanh tốt, đến ngày thu hoạch bình quân mỗi cây cao trên 1,5m, thế nhưng do không ký kết bán trục tiếp cho nhà máy đường 333, mà phải bán qua trung gian nên cũng chỉ thu được 2.300.000 đồng/ 1.000m2. Như vậy, sau 1 năm lao động, với 0,5ha mía, vụ này gia đình lỗ gần 7.000.000 đồng.
Ruộng mía của gia đình ở thôn 1 (xã Khuê Ngọc Điền).
Không chỉ nông dân ở xã Hòa Lễ kém vui sau một niên vụ mía thất bát, mà hầu như người trồng mía ở các thôn 7, 8, 9, 10, 12 (xã Khuê Ngọc Điền) cũng trong tâm trạng điêu đứng trước tình trạng giá mía thấp kỷ lục.
Ông Thái Cao Bằng ở thôn 12 (xã Khuê Ngọc Điền) cho biết: Gia đình có 0,8ha mía năm thứ hai, vì không đủ điều kiện ký kết trực tiếp với nhà máy đường 333 để tiêu thụ sản phẩm, nên giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào đại lý thu mua. Năm trước, giá thu mua 400.000 đồng/ tấn mía cây, nhưng sau khi cân bán thì bị đại lý lấy nhiều lý do khác nhau để khấu trừ nhiều khoản “trên trời” khiến giá còn dưới 2.000.000 đồng/1.000m2.Vì thế, năm nay mặc dù đại lý cũng đưa mức giá bằng năm ngoái là 400.000 đồng/tấn, nhưng gia đình ông đành chấp nhận bán với giá 2.000.000 đồng/1.000m2 để tránh bị lỗ thêm.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Trương, Bí thư Đảng ủy xã Khuê Ngọc Điền, cho biết: Giá mía năm nay xuống thấp nhất từ trước tới nay. Niên vụ trước, toàn xã có 320ha mía nguyên liệu, nhưng năm nay do hiệu ứng dây chuyền từ việc các nhà máy đường ngừng thu mua trữ lượng đường thấp do ảnh hưởng của lụt bão, cộng với việc các tuyến giao thông huyết mạch bị xuống cấp dẫn đến chi phí vận chuyển cao, tác động không nhỏ đến thu nhập của người trồng mía. Vì thế họ phá bỏ chuyển sang trồng cây khác. Hiện tại, toàn xã chỉ còn 42 ha nhưng hầu hết là diện tích năm trước thu hoạch bị trễ, cộng với thời tiết hạn hán kéo dài, khiến người dân không mấy thiết tha với cây mía, lơ là trong việc đầu tư chăm sóc nên cây mía còi cọc, có diện tích đại lý không thể thu mua.
Theo bà con trồng mía, giá từ 4.000.000 đồng/1.000 m2 trở lên thì mới có lãi, còn nếu như giá thu mua như 2 năm nay thì phải chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên, bà con chưa xác định được cây gì ngoài ngô, sắn, trong khi đây là những loại cây cũng đang trong tình trạng giá cả bấp bênh.
Mặc dù mía là loại cây có thể chịu được nước nhưng việc mía ngập chìm lâu trong nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến chữ đường, làm giảm năng suất.
Thu Phương (T/H)