Nghệ An: Nỗ lực thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản

Kinh tế - Ngày đăng : 07:33, 26/03/2019

Moitruong.net.vn – Để tạo ra giá trị cao và bền vững cho nông sản, liên kết sản xuất – tiêu thụ theo chuỗi được xem là giải pháp căn cơ. Tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản tập trung như: Mía, chè, lạc,… phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Vùng trồng chè tập trung tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An 

Theo UBND tỉnh Nghệ An, triển khai việc thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tính đến năm 2018, địa phương đã có 5 dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa, rau củ quả, mía được UBND tỉnh phê duyệt với kinh phí hỗ trợ 1.535 triệu đồng. Tổng số hộ tham gia sản xuất cánh đồng lớn đạt 2.450 hộ với quy mô diện tích trên 420 ha. Các dự án mang lại tâm lý yên tâm cho các hộ nông dân sản xuất, tăng thu nhập bình quân từ 20-25% so với mức bình thường.

Bên cạnh đó, địa phương đã có trên 90 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, gia công sản phẩm giữa các hợp tác xã (HTX), chủ trang trại với các doanh nghiệp. Đồng thời, rất nhiều hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được ký giữa doanh nghiệp và nhóm hộ thực hiện ổn định trong nhiều năm đối với các vùng sản xuất nguyên liệu mía, chè.

Về chế biến nông sản, đến nay, Nghệ An đã xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu, sản phẩm đa dạng ở tất cả các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Tiêu biểu như: Vùng nguyên liệu chè 7.225 ha cho sản lượng chè búp tươi 75 nghìn tấn/năm; cao su 11.682 ha cho sản lượng mủ khô 4.350 tấn/năm; mía nguyên liệu đạt 24.913 ha với sản lượng 1.500.000 tấn; vùng lạc xuất khẩu trên 16.000 ha, sản lượng 37.200 tấn; vùng nguyên liệu sắn 7.300 ha, sản lượng 255 nghìn tấn.

Thời gian qua, tỉnh đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có trên 15.000 doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông, lâm. thủy sản đi vào hoạt động với 15 mặt hàng, nhóm mặt hàng.

Nhằm tiếp tục vươn lên đạt những kết quả mới, theo UBND tỉnh Nghệ An, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường đổi mới, phát triển các hình thức liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai việc ưu tiên bố trí nguồn lực, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế để thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy liên kết.

Đặc biệt là công tác thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất tạo ra những vùng chuyên canh lớn. Theo UBND tỉnh Nghệ An, phổ biến nhất hiện nay vẫn là các hộ gia đình đưa ruộng đất vào sản xuất theo kế hoạch sản phẩm chung của HTX. Một số nơi, doanh nghiệp hoặc HTX thuê lại ruộng đất của nông dân trong thời hạn nhất định để sản xuất. Ngoài ra, hình thức nông dân góp ruộng đất của gia đình như một loại cổ phần đặc biệt vào sản xuất, kinh doanh của liên kết cũng là giải pháp cần khuyến khích.

Cùng với đó, tiếp tục quan tâm hỗ trợ, đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông dân, HTX tham gia liên kết. Trong đó, cần chú ý đào tạo, tập huấn các kiến thức về thị trường, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng cho đội ngũ cán bộ HTX; quan tâm hỗ trợ hình thành và củng cố các mô hình HTX trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường. Trọng tâm là áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực bảo quản, chế biến các nông sản chính của tỉnh.

Ngoài ra, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp; đặc biệt là các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: Các loại cây ăn quả có múi, cây chè, cao su, lạc… đến các thị trường trong nước và nước ngoài. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các cấp, các ngành về vai trò, vị trí của liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Tập trung nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản Nghệ An, không ngừng đổi mới sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ an toàn dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, kết hợp đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp trên từng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, bắt kịp với cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0.

Trước mắt, tập trung xây dựng các mô hình theo chuỗi giá trị có ưu thế phù hợp với điều kiện của tỉnh như: lúa gạo chất lượng cao, đặc sản, rau củ quả, nấm, dược liệu; chăn nuôi: lợn, gà hữu cơ, thủy sản: tôm, cá kho, chạch sụn…

Ngọc Ánh (t/h)

Ngọc Ánh (t/h)