Phú Yên: Nhiều diện tích sắn chết hàng loạt vì nắng nóng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 09/04/2019
– Dù mới bắt đầu vào mùa khô nhưng ở nhiều địa phương tại tỉnh Phú Yên đã phải ứng phó với hạn hán. Nhiều cây trồng, nhất là cây sắn bị chết khiến nông dân càng thêm khó khăn bởi nhiều diện tích là do nông dân trồng mía bị thua lỗ nên chuyển đổi sang trồng sắn.
>>> Thanh Hóa: Giá dứa xuống thấp, người nông dân lao đao
>>> Mộc Châu (Sơn La): Giông lốc, mưa đá gây thiệt hại trên 3,5 tỷ đồng
Ảnh minh họa
Theo người dân địa phương cho biết, từ khi trồng sắn đến nay trời cứ nắng nóng liên tục. Đã ba tháng qua, nơi đây không có giọt mưa nào. Với tình cảnh này thì lại mất mùa, thua lỗ.
Tại huyện miền núi Sông Hinh, nắng hạn cũng xảy ra kéo dài. Bên cạnh đó, do nguồn nước tưới ở xa, người dân không có thiết bị để bơm tưới dẫn đến cây sắn cũng chết hàng loạt.
Anh Y Thái ở buôn Hai Krông, xã Ea Bia, huyện Sông Hinh cho biết, từ khi xuống giống đến nay trời không mưa kiến cả vạt sắn đã chết khô từ khi mới nhú mầm. Với vị trí trên đồi cao, việc bơm tưới chăm sóc sắn là điều không thể thực hiện.
Huyện Sông Hinh có khoảng 2.000 ha sắn xuống giống trong thời điểm từ sau Tết Nguyên đán, chiếm hơn 1/3 diện tích sắn đã xuống giống vụ 2019-2020 và phần lớn trong số đó không chủ động được nguồn nước tưới.
Thời tiết nóng, mặt đất khô, độ ẩm thấp đã làm sắn bị chết hoặc không phát triển được. Ở giai đoạn này, sắn đang tạo bộ rễ củ, nếu không đảm bảo độ ẩm sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất cây sắn.
Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh, những diện tích sắn được bà con mới trồng được một đến hai tháng bị nắng hạn ảnh hướng rất lớn đến cây cũng như củ của cây sắn.
Thời tiết nắng hạn còn có diễn biến phức tạp. Vì vậy, nông dân không nôn nóng xuống giống khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là vùng đất khô, không chủ động được nguồn nước tưới.
Năm 2019, nông dân tỉnh Phú Yên đang có xu hướng phá bỏ cây mía vì giá xuống thấp để trồng sắn. Chính vì vậy, nhiều diện tích sắn được trồng tự phát không theo quy hoạch. Các nhà máy chế biến cũng chưa có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Với tình trạng này cộng với những bất lợi của thời tiết dễ dẫn đến nhiều khó khăn cho nông dân.
Để đối phó với tình trạng nắng hạn, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó. Nếu diện tích cây trồng nào bị hạn kéo dài phải tính toán chuyển đổi cho phù hợp.
Hà An (T/h)