Phát triển hệ thống tưới tiết kiệm nước ứng phó biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên

Kinh tế - Ngày đăng : 09:01, 25/04/2019

Theo thống kê năm 2018, khu vực Tây Nguyên có 622.286 ha cà phê, 91.422 ha hồ tiêu, 246.811 ha cao su, 81.035 ha điều… toàn khu vực Tây Nguyên có 2.360 công trình thủy lợi (1.190 hồ chứa, 970 đập dâng, 130 trạm bơm và 70 công trình khác).

– Ngày 23-4, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đưa ra các giải pháp để phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước nhằm ứng phó với hạn hán và nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn.

>>> 3 cách để văn phòng làm việc luôn ngập tràn thiên nhiên

>>> Châu Á trước nguy cơ gia tăng rác thải nhựa do quản lý không hiệu quả

Để đáp ứng nhu cầu tưới cho các loại cây công nghiệp trên địa bàn, trong những năm qua bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các tỉnh Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng được 2.360 công trình thủy lợi, trong đó có 1.190 hồ chứa, 970 đập dâng, 130 trạm bơm và 70 công trình khác, đáp ứng cho hàng trăm nghìn héc-ta cây trồng có nhu cầu tưới.

Ứng phó biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, thời tiết thay đổi bất thường, mùa nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước phục vụ tưới cho cây trồng ngày càng sụt giảm, kể cả nguồn nước ngầm trong lòng đất cũng tụt giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, người nông dân vẫn có thói quen tưới cho cây trồng theo kiểu truyền thống, chủ yếu là tưới vào gốc, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến như tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm nước còn ít nên nguồn nước ngày càng khan hiếm.

Nhiều công trình thủy lợi chưa được quản lý, khai thác phát huy hiệu quả, vào mùa khô là cạn trơ đáy. Vì vậy, cứ vào mùa khô hàng năm, trên địa bàn Tây Nguyên có đến hàng chục nghìn héc-ta cây trồng như cà-phê, hồ tiêu, lúa nước và các loại cây ngắn ngày thiếu nước tưới nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng và đời sống của người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, để chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước và nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi cần thực hiện các giải pháp như: đẩy nhanh việc nhân rộng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, phấn đấu đến năm 2020 có 500.000 ha cây trồng cạn của khu vực Tây Nguyên được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;

“Các địa phương cần có giải pháp cụ thể trong phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn, chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…”, ông Nguyễn Văn Tỉnh nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, các tỉnh cần có giải pháp cụ thể trong phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng trên cạn.

Điều quan trọng là các tỉnh cần xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước… thì công nghệ tưới này mới được nhân rộng ra được.

Bên cạnh đó, các địa phương trong khu vực cần tiến hành rà soát, triển khai quy hoạch thủy lợi gắn với việc xem xét, chuyển nước, liên kết nguồn nước phục vụ việc tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước trong sản xuất; đẩy mạnh công tác truyền thông, nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước tại các địa phương để người dân học hỏi và áp dụng vào sản xuất…

Bà Nguyễn Thị Thùy Oanh đến từ Công ty cổ phần công nghệ tưới Khang Thịnh chia sẻ: Sử dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước không chỉ giúp nông dân tiết kiệm nguồn nước, nhân công trong sản xuất mà còn hỗ trợ nông dân chủ động thời điểm tưới, thời điểm bón phân, thời điểm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng với nhu cầu của từng loại cây trồng mà không phụ thuộc vào thời tiết.

Vì vậy, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước là xu thế phát triển trong trồng trọt để thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững.

Còn Phó Văn phòng Cục trồng trọt khu vực phía Nam Nguyễn Như Hiến khẳng định: Các loại cây công nghiệp lâu năm như cà-phê, hồ tiêu, cao-su, điều… tại khu vực Tây Nguyên đã khẳng định được hiệu quả kinh tế không gì thay thế được. Các loại cây này đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào ở Tây Nguyên thay đổi cuộc sống.

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, mùa khô ngày càng thiếu nước tưới nghiêm trọng thì việc áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi là yêu cầu cấp bách để phát triển bền vững ngành trồng trọt khu vực Tây Nguyên, đặc biệt đối với các cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất, đưa ra các giải pháp để phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước nhằm ứng phó với hạn hán và nâng cao hiệu quả khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn

Nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về phát triển nền nông nghiệp, nhất là phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao, góp phần đưa Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững.

Ngọc Phương (t/h)

Ngọc Phương (t/h)