Tỉnh Bến Tre: Chủ động nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 03:04, 14/04/2017

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre, do ảnh hưởng của BĐKH, trong năm 2015 và 2016 lượng mưa thấp hơn và kết thúc sớm, dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về ít hơn trước đây, do đó xâm nhập mặn xuất hiện sớm ăn sâu vào trong đất liền, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

(Moitruong.net.vn) – Tính đến ngày 11/4/2017, trên các vùng cửa sông Bến Tre (Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên) độ mặn đã đạt từ 23-26‰, độ mặn 4‰ xâm nhập lên sâu vào thượng nguồn từ 34-40 km, độ mặn 1‰ cách cửa sông khoảng 46-50 km.

Nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền cùng với nắng nóng kéo dài, không chỉ gây thiệt hại đối với cây lúa, cây dừa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước sinh hoạt của người dân. Nhiệt độ và mức độ khô hạn gia tăng, phát triển của các loại sâu bệnh và dịch bệnh. Quỹ đất canh tác nông nghiệp nói chung, đất trồng lúa nói riêng bị thu hẹp đáng kể.

lúa

Nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền gây thiệt hại đối với cây lúa, cây dừa, cây ăn trái…

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, trong những tháng đầu năm 2017, nước biển dâng, độ mặn từng lúc càng cao, ăn sâu hơn vào trong thượng nguồn, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, tính đến ngày 11/4/2017, trên các vùng cửa sông Bến Tre (Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên) độ mặn đã đạt từ 23-26‰, độ mặn 4‰ xâm nhập lên sâu vào thượng nguồn từ 34-40 km, độ mặn 1‰ cách cửa sông khoảng 46-50 km (vượt qua khỏi trung tâm TP.Bến Tre). Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn đạt cấp độ I.

Giải pháp phòng chống, ứng phó với BĐKH

Thông tin trên báo TNMT, ông Cao Minh Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, để nhằm chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp phòng chống, ứng phó với BĐKH, thiên tai năm 2017 và những năm tiếp theo, ngành NN&PTNT Bến Tre đã tập trung xây dựng, đề ra nhiều giải pháp trọng tâm để phòng chống hạn, mặn, hạn chế đến mức thấp nhất chịu ảnh hưởng như những năm qua.

Về giải pháp trước mắt, tỉnh sẽ tập trung phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống cống đập Ba Lai để cung ứng đủ nước ngọt phục cho sản xuất và sinh hoạt cho vùng Bắc Bến Tre một cách nhanh nhất. Thường xuyên thông báo cho nhân dân biết diễn biến tình hình khô hạn và xâm nhập mặn, để nhân dân có ý thức chuẩn bị ứng phó. Vận động các hộ dân thực hiện dự trữ nước ngọt trong các ao, hồ, lu chứa nước và sử dụng nước tiết kiệm, nghiêm cấm việc xả rác và chất thải nhằm đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm.

Đảm bảo nước cho sản xuất chính là góp phần thiết thực cải thiện đời sống nhân dân.

Đảm bảo nước cho sản xuất chính là góp phần thiết thực cải thiện đời sống nhân dân

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đang thi công dang dỡ nhằm góp phần hạn chế ảnh hưởng của mặn xâm nhập. Triển khai thi công hồ chứa nước ngọt Kênh Lắp, hồ chứa nước ngọt xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri. Đầu tư nâng cấp các nhà máy nước: Tân Mỹ (huyện Ba Tri) từ công suất 300 m3/giờ lên công suất 440 m3/giờ; Hòa Lợi (huyện Thạnh Phú) từ công suất 10 m3/giờ lên công suất 30 m3/giờ; nâng cấp nhà máy nước Thạnh Phú giai đoạn 3.

Về lâu dài, Sở NN&PTNT tranh thủ 2 dự án được phân bổ vốn triển khai thực hiện từ năm 2017 là dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri nhằm thích ứng BĐKH và dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng (nguồn SPRCC).

Thanh Bạch

Thanh Bạch