Kiên Giang: Phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Kinh tế - Ngày đăng : 11:33, 05/06/2019

Moitruong.net.vn – Trước thực trạng biến đổi khí hậu có diễn biến bất lợi cho con người và sản xuất. UBND tỉnh Kiên Giang tăng cường phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Chủ động trong thích ứng với biến đổi khí hậu và các tác động từ thượng nguồn, các cơ quan, ban ngành của tỉnh, huyện đã huy động mọi nguồn lực, thông qua các cơ quan báo chí của tỉnh, cổng thông tin điện tử tỉnh, các trang thông tin điện tử của các ngành, địa phương và 15 đài truyền thanh các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú với nhiều tin, bài, chuyên mục, phóng sự về hiểm hoạ biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý.

Kiên Giang nỗ lực nhiều giải pháo trong sản xuất để ứng phó với biến đổi khí hậu

Quyết định ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 27/3/2018 về thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Hoàn thành các chương hình đề án theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy, gồm: Dự án rà soát, điều chỉnh Quy hoạch nông nghiệp – nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Chương trình phát triển rừng sản xuất làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ; Chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng; thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05/NQ/TU ngày 27/02/2013 của Tỉnh ủy Kiên Giang về việc xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; Dự án xây dựng Trung tâm Nghề cá của tỉnh Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam; Dự án rà soát, điều chỉnh, bố sung Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch nông nghiệp huyện Phú Quốc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, tỉnh đang tiếp tục xây dựng các đề án, dự án: Đề án quản lý nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016 – 2020; Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả; Dự án “Khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao phát triển chuỗi tôm hiệu quả và bền vững tại tỉnh Kiên Giang”; Dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang; đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang”; Dự án đầu tư phát triển giống gia súc, gia cầm tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018 – 2020.

Công tác quy hoạch phát triển du lịch cũng được chú trọng, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch của tỉnh và góp phần quan trọng cho quản lý đầu tư phát triển du lịch thích ứng với biến đối khí hậu và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đang điều chỉnh Quy hoạch khu di tích lịch sử núi Bình San, lăng Mạc Cửu và thắng cảnh Mo So với mục tiêu không chỉ bảo tồn, tôn tạo di tích mà còn gắn với phát triển du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tỉnh đã chú trọng phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái biển đảo, các tuyến du lịch liên vùng và quốc tế đồng thời quảng bá sản phẩm du lịch đồng bằng sông Cửu Long nói chung và sản phẩm du lịch tỉnh Kiên Giang ra thế giới. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện lồng ghép việc quản lý các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh ứng phó biến đổi khí hậu vào Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh gắn với mục tiêu phát triển bền vững và đang triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Kiên Giang với tổng kinh phí 35.999.726.000 đồng, bao gồm việc tu bổ.

Về hạ tầng giao thông đã chủ động rà soát, xây dựng, triển khai và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển chuyên ngành phù hợp với điều kiện nguồn lực cụ thể, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tập trung nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông theo quy hoạch được phê duyệt, ưu tiên đầu tư trước các công trình có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát hiển bền vững giai đoạn 2017 – 2020, đến nay, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản giai đoạn 2017 – 2018 đạt 5,06% (kế hoạch năm 2020 là 4 – 5%). Tỷ trọng GRDP của ngành chiếm 34,53% toàn tỉnh, giảm 0,76% so với năm 2017 (năm 2017 là 35,29%) và giảm 0,47 – 1,47% so với kế hoạch đến năm 2020 (năm 2020 là 35 – 36%). Cơ cấu tỷ trọng trong nội bộ ngành năm 2018 so với năm 2017 ở lĩnh vực nông nghiệp 1,99%, thủy sản tăng 8,14%, lâm nghiệp ổn định.

Giá trị sản xuất trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2018 giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất trồng trọt trị giá 76,92 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản phẩm thu được trên 01 ha đất mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 115,56 hiệu đồng/ha/năm. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 51/117 xã và 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; đến nay toàn tỉnh bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã, tăng 2 tiêu chí/xã so với năm 2017, có 58 xã đạt 19 tiêu chí. Chỉ còn 01 xã đạt 9 tiêu chí và các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.

Toàn tỉnh đã thực hiện nhiều dự án cải tạo giống cây trồng, cơ sở hạ tầng

Tỉnh cũng đã hực hiện điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2016 – 2020 theo hướng duy trì hợp lý diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ, điều chỉnh một phần diện tích rừng sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp. Độ che phủ rừng ổn định giai đoạn 2015 – 2017 là 10,96%, đạt 91,33% so với kế hoạch. Diện tích trồng rừng mới mỗi năm một tăng, trong đó trồng rừng phòng hộ ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2015 là 378 ha, năm 2016 là 1.240 ha, năm 2017 là 400 ha, năm 2018 là 81ha.

Khoán bảo vệ rừng vẫn được duy trì hàng năm bình quân 4.000 ha/năm. Phong trào trồng rừng sản xuất và trồng cây phân tán từng bước được phục hồi nhằm cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy gỗ MDF Kiên Giang công suất 75.000 m3/năm đã đi vào hoạt động, bước đầu mang lại hiệu quả. Đẩy manh các hoạt động xã hội hóa nghề rừng thông qua hình thức liên doanh liên kết, cho thuê môi trường rừng kết hợp du lịch sinh thái gắn với quản lý bảo vệ và phát triến rừng.

Đến nay, toàn tỉnh có 26 dự án cho thuê môi trường rừng và liên doanh liên kết, tuy mới bắt đầu triển khai nhưng đã góp phần cùng với chủ rừng tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Thực hiện ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thông tin viễn thám và kỹ thuật thông tin địa lý (GIS) đánh giá diễn thế rừng, đất đai; tài nguyên động, thực vật; theo dõi giám sát diễn biến tài nguyên rừng. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình quản lý và điều tiết nước hàng năm một cách hợp lý để tạo điều kiện thích hợp trong việc phục hồi và phát triển rừng tràm nguyên sinh Vườn Quốc gia U Minh Thượng, nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng.

Ngành nông nghiệp đã có sự chuyến dịch từ trồng lúa một vụ năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, phát triển lúa – tôm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Đã chuyển đổi từ cơ cấu 02 vụ lúa Đông Xuân – Hè Thu sang cơ cấu 03 vụ lúa Đông Xuân – Hè Thu – Thu Đông ở những diện tích có đê bao kiểm soát lũ đảm bảo ở các huyện thuộc vùng Tây Sông Hậu (Giồng Riềng, Tân Hiệp) và ở vùng Tứ giác Long Xuyên (Hòn Đất).

Tổ chức lại khai thác hải sản theo hướng giảm dần tàu thuyền có công suất nhỏ khai thác ven bờ, phát triển tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển quốc gia. Phát triển nhanh hình thức nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp, nuôi cá lồng bè.

Tăng diện tích nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và tăng năng suất tôm – lúa vùng U Minh Thượng. Đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở sản xuất tôm giống phục vụ sản xuất, đến nay sản lượng tôm giống đáp ứng khoảng 30% nhu cầu con giống nuôi. Từng bước áp dụng công nghệ trong nuôi tôm để chuyển nuôi tôm từ phương thức quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp ở những nơi có điều kiện; ứng dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuấn quốc tế và quốc gia trong nuôi tôm như GAP, GlobalGAP…

Thực hiện cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm từ 62.539 ha vào năm 2017 tăng lên gần 75.000 ha năm 2018. Có 21 doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên kết sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giúp cho nông dân ổn định đầu vào sản xuất và đầu ra sản phẩm. 100% diện tích tham gia cánh đồng lớn áp dụng 1 phải – 5 giảm, sử dụng giống đạt phẩm cấp, giảm lượng giống gieo sạ theo tập quán từ 180 – 250 kg/ha, áp dụng sạ thưa xuống còn 80 – 120 kg/ha. Tổng lượng giống sản xuất theo cánh đồng lớn giảm khoảng trên 5.600 tấn/năm, tổng chi phí giống giảm khoảng trên 67 tỷ đồng/năm. Nông dân sản xuất lúa được ký kết tiêu thụ đảm bảo lợi nhuận 40%.

Ứng phó với tình trạng nước biển dâng

Nghiên cứu thành công việc chọn, tạo, nhân giống lúa bằng phương pháp hiện đại trong công nghệ sinh học…có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu mặn, chống chịu tốt với dịch bệnh, cho năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khấu để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh như: GKG1, GKG9. Nông dân ứng dụng sản xuất các giống lúa năng suất cao, chất lượng gạo tốt ngày càng tăng, tỷ trọng lúa chất lượng cao toàn tỉnh tăng dần từ 70% năm 2015 lên 71% năm 2016 và lên 75,13% năm 2018 với các giống chủ lực như: OM 5451, OM 4900, Jasmin 85,…

Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt, chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu sản xuất các giống lúa chịu mặn, xây dựng các quy trình nuôi thương phẩm và sản xuất giống một số loài thủy sản phục vụ người dân nâng cao giá trị sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; một số nhiệm vụ bảo tồn các nguồn gen động, thực vật trên địa bàn tỉnh; một số nhiệm vụ phục vụ phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cũng tham mưu xây dựng và triển khai một số đề án, kế hoạch có liên quan phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, thế mạnh của tỉnh.

Trong thời gian tới tỉnh xác định tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh, phê duyệt Kế hoạch thực hiện; danh mục chương trình, dự án và nguồn vốn đầu tư. Thường xuyên tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên; cung cẩp thông tin, tài liệu, nhất là những thông tin mới về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Kiên Giang nói riêng thích ứng biến đổi khí hậu.

Trương Anh Sáng

Trương Anh Sáng