Lạng Sơn: Sâu keo mùa Thu ‘ăn trắng’ hàng trăm hecta ngô
Kinh tế - Ngày đăng : 00:31, 17/05/2019
“Sâu keo mùa Thu” tên khoa học là Spodoptera frugiperd đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam khoảng đầu năm 2019 và đã gây hại tại nhiều địa phương trên cả nước.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn, diện tích ngô bị sâu keo mùa Thu gây hại ở tỉnh này đã lên đến gần 700ha và còn có chiều hướng tăng nhanh.
Sâu keo mùa thu có thể gây thiệt hại rất lớn trên diện tích ngô của Việt Nam
Hiện mật độ sâu non phổ biến từ 2-6 con/m2, một số diện tích có mật độ 10-15 con/m2. Bà Hoàng Thị Ái, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Bảo vệ thực vật Lạng Sơn cho biết, đây là loại sâu lần đầu tiên xuất hiện gây hại trên cây ngô với nhiều đặc tính nguy hiểm.
“Sâu non có khả năng kháng thuốc, trưởng thành có thể di chuyển, phát tán xa. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức tập huấn cho bà con nông dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp. Khi mật độ sâu cao thì phun thuốc hóa học theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn”, bà Ái nói.
Sâu gây hại từ trong ra ngoài với sức ăn rất khoẻ tại phần ngọn non của cây ngô. Thời điểm gây hại khi cây ngô đạt từ 3 – 9 lá, thậm chí đã xoáy nõn. Với những diện tích ngô đã hạn chế sâu bệnh, phần nõn tiếp tục chồi thành lá, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng tới năng suất.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để phun diệt trừ hiệu loại sâu này, nên sử dụng một trong các loại thuốc như: Esfenvalat, Carbaryl, Malathion, Permethrin và Lamba cyhalothrin…
Bà Chu Thị Thay, xã Song Giáp, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Ra thăm vườn ngô tôi thấy ngô bị sâu ăn ngọn nên đi mua thuốc về để phòng trừ. Tôi rắc thuốc lên phần ngọn thì thấy cây ngô đã khá hơn”.
Ngành bảo vệ thực vật lo ngại thời tiết bất thường hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sâu keo và các loại sâu gây hại trên cây trồng phát triển.
Các cơ quan chức năng đã và đang tiếp tục triển khai tập trung các giải pháp phòng, diệt sâu gây hại, tránh gây thiệt hại cho bà con nông dân.
Chính vì vậy, bà con nông dân cần chủ động theo dõi đồng ruộng để kịp thời phát hiện, thông báo đến ngành chức năng diễn biến sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả, đảm bảo năng suất và sản lượng cây trồng.
Phương Linh (t/h)