Hà Nội: Vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông cần vay thêm gần 2.300 tỷ
Kinh tế - Ngày đăng : 12:00, 04/07/2019
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt đầu tư từ năm 2018, dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỉ đồng, tương đương 868,04 triệu USD, trong đó, vốn vay Trung Quốc là hơn 13.867 tỉ đồng, tương đương 669,62 triệu USD, còn lại là đối ứng của Việt Nam.
Trong số này, phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải áp dụng với giá trị 92,52 triệu USD, bao gồm hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy – toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, năm 2016, Bộ GTVT đã ký phụ lục hợp đồng tăng phần chi phí liên quan này lên 98,35 triệu USD và đây sẽ là khoản vay chuyển giao cho Hà Nội vay lại (dự án này do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, nhưng sau đó chuyển giao cho Hà Nội vận hành).
Hà Nội đã đề xuất nếu nhận chuyển giao, khoản vay được tính vào dư nợ của TP, nhưng không tính vào bội chi ngân sách địa phương, TP bố trí ngân sách địa phương để trả nợ.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa hẹn ngày về đích
Lãi suất cho vay lại là 4%/năm, tính trên số dư nợ. Trường hợp không trả nợ đúng hạn, bên vay lại sẽ phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn. Lãi và lãi phạt chậm trả được tính trên cơ sở số ngày thực tế áp dụng.
Thời hạn cho vay lại sẽ tính từ khi hợp đồng có hiệu lực đến ngày trả nợ gốc cuối cùng vào 21.7.2025. Riêng khoản vay 47,092 triệu USD, ngày trả nợ gốc cuối cùng là 21.9.2032.
Hà Nội cho rằng, căn cứ vào số liệu dư nợ hiện nay và dự kiến đến 2020, việc vay lại dự án này với giá trị khoảng 2.306 tỉ đồng không làm vượt hạn mức vay nợ của TP. Đồng thời, TP cũng sẽ bố trí nguồn chi trả nợ gốc, lãi, phí và chi phí liên quan, đảm bảo thanh toán khoản nợ đầy đủ, đúng hạn.
Ngọc Ánh (t/h)