Mưa bão quật đổ, nhấn chìm trên 13.000 ha lúa của tỉnh Kiên Giang
Kinh tế - Ngày đăng : 12:33, 03/07/2019
Theo TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết dông bão, gây mưa to, lốc xoáy, đã làm khoảng 13.000 ha lúa ở giai đoạn trổ, chín, gây thiệt hại về năng suất và giảm chất lượng.
Ngoài ra, còn có 218 ha lúa ở giai đoạn mạ ở các xã vùng ven TP Rạch Giá, bị ngập úng, thiệt hại trên 70%. Tại huyện Giồng Riềng, trên 400 ha lúa thu đông 2019 bị ngập úng, trong đó có 165 ha bị thiệt hại trên 70%.
Diện tích lúa bị đổ, ngã, ngập chìm trong nước là lúa hè thu 2019 đang trong giai đoạn chín, thu hoạch, với 12.925 ha, tăng gần 4.000 ha so với tuần trước, chủ yếu ở huyện Tân Hiệp, Châu Thành và Giồng Riềng. Trong đó, có 3.840 ha bị thiệt hại trên 70%, 5.611 ha thiệt hại từ 30-70% và dưới 30% là 3.474 ha.
Hàng chục ngàn ha lúa hè thu ở Kiên Giang đã bị mưa gió gây đổ ngã, ngập chìm trong nước
Đến thời điểm này, tỉnh Kiên Giang còn khoảng 220.000/280.810 lúa hè thu chưa thu hoạch và 28.576 ha lúa thu đông mới gieo sạ. Tại huyện Tân Hiệp, hiện còn khoảng 20.000 ha đang giai đoạn trổ, chín, mưa bão đã làm nhiều diện tích bị đổ sập.
Bà Phan Thị Thu Trang, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, lúa bị đổ, ngâm nước nhiều ngày, không chỉ làm tăng chi phí thu hoạch mà còn làm giảm năng suất, chất lượng. Do địa phương không có nhiều máy sấy và thiếu công lao động nên nông dân buộc phải bán lúa ướt, dù giá rất rẻ.
Nhiều nơi thương lái đã đặt cọc thu mua từ 3.700 – 4.000 đồng/kg, nhưng khi cắt chỉ bán được khoảng 3.300 đồng/kg, do lúa bị đen, nảy mầm. Thậm chí, lúa bị đổ sập nhiều, ngâm nước lâu ngày, lúa bị đen, thúi, lên cây, thương lái từ chối không mua, nhất là giống lúa IR 50404.
Nông dân Đàm Quốc Khánh, ở ấp Tân An, xã Tân An, Tân Hiệp, than: “Hơn chục năm làm lúa, chưa có vụ nào phải bán với giá rẻ bèo như năm nay”.
Hiện cơn bão số 2 đang hoạt động trên biển Đông, bà con lo ngại hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn kéo dài, diện tích bị thiệt chắc chắn sẽ tăng thêm, giá lúa tiếp tục giảm sâu khó tiêu thụ.
Thanh Hương (T/h)