Nghệ An: Người dân tố Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây thiệt hại nặng nề nhưng không chịu bồi thường
Kinh tế - Ngày đăng : 09:13, 17/08/2019
VIDEO: Người dân tố Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây thiệt hại nặng nề nhưng không chịu bồi thường
Người dân khốn khổ vì Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ
Theo nội dung đơn thì vào hồi cuối tháng 8 năm 2018, thủy điện Bản Vẽ đã xả lũ rất lớn làm trôi, sập nhà của rất nhiều hộ dân sinh sống dưới hạ lưu thủy điện. Cán bộ xã cùng với Ban quản lý bản cũng đã đến đo kiểm, lập danh sách thống kê tài sản bị thiệt hại và gửi lên cấp trên. Đồng thời buộc các hộ dân phải di dời, tháo nhà cửa xuống, và dựng lều, nhà tạm bợ để sống cho đến nay. Trong cuộc họp dân đầu tháng 6 năm 2019, các hộ dân bị thiệt hại đã có ý kiến hỏi về việc thủy điện xả lũ làm thiệt hại cho dân, các hộ bị thiệt hại có được đền bù hay không? Và ai là người phải chịu trách nhiệm và được lãnh đạo Nhà máy thủy điện Bản Vẽ trả lời “ Thủy điện không sai nên không có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho dân”.
Đơn Kiến nghị của người dân đề nghị tỉnh Nghệ An và Công ty thủy điện Bản Vẽ nhanh chóng có hình thức hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng để người dân ổn định nơi ăn, chốn ở
Điều đó đã khiến người dân rất bức xúc, họ đã viết đơn Đơn trình bày và đề nghị nêu rõ: Nhân dân bị thiệt hại mỗi gia đình hàng trăm triệu đồng, nhưng nhà máy Thủy điện Bản Vẽ chỉ hỗ trợ 50 triệu đồng và UBND tỉnh Nghệ An 20 triệu đồng. Với sô tiền ít ỏi đó, người dân không thể chuyển dỡ và dựng lại nhà ở khu tái định cư mới, một phần là không đủ tiền, một phần do nền nhà quá hẹp không đủ diện tích. Hơn nữa nhà gỗ dỡ xuống lâu ngày đã bị hư hỏng mục nát nhiều. Các hộ dân đề nghị các cơ quan nhà nước, báo chí xem xét và sớm có giải pháp thích hợp để người dân có nhà ở và ổn định cuộc sống. Người dân yêu cầu thủy điện phải chịu trách nhiệm và bồi thường, đền bù thiệt hại cho họ. Bởi vì sự cố này không phải do thiên tai mà là do tác động của con người nên nhà máy thủy điện phải có trách nhiệm đền bù, chứ không được để người dân phải chịu hậu quả như vậy.
Để xác minh rõ sự việc, Phóng viên Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn vượt đường xá xa xôi để đến gặp trực tiếp những người dân bị thiệt hại về tài sản do thủy điện xả lũ. Khi thấy PV xuất hiện, người dân thi nhau bày tỏ nỗi bức xúc khi những thiệt hại của họ không được chính quyền, nhà máy thủy điện Bản Vẽ đền bù một cách thỏa đáng.
Nhưng ngôi nhà hoang do thủy điện Bản Vẽ xả lũ đã cuốn trôi hết tài sản của người dân
Bà Lô Thị Tuyết, cư dân bản Minh Phương nhớ lại: “Những ngày cuối tháng 8 năm 2018, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ ào ạt, không thông báo cho dân. Tôi đã sinh sống ở đây hơn 50 năm, nhưng chưa bao giờ thấy lũ to thế này, nước dâng cao, chảy mạnh, ngập mênh mông, gây thiệt hại nặng nề cho làng bản. Trong 3 ngày lũ, người dân chúng tôi được gom lại ở trong trường học. Ba ngày sau có cán bộ xã và huyện đến thăm cho mỗi hộ 1 thùng mỳ tôm và tuyên bố sẽ khắc phục nhanh cho dân ở. Ông Chủ tịch xã hứa xin cho mỗi hộ một tấm bạt dựng lán tạm để ở nhưng tới giờ vẫn không thấy. Riêng ông Chủ tịch huyện đến bắt tay động viên đồng bào rồi khóc như là thương dân lắm, nhưng cho đến nay cũng tròn một năm rồi mà chưa hề xong một nền nhà, hiện nhà nào cũng đang ở trong túp lều cả, nhà nào cũng chịu khổ, chịu nóng, chịu rét, vất vả chưa từng thấy. Nhà tôi ước tính giá trị tài sản thiệt hại khoảng 600 triệu đồng, đến nay nhà cửa không có, nơi ăn chỗ ở không ổn định, thật là cơ cực”.
Do người dân chưa nhận được tiền đền bù nên vẫn phải sống trong các túp lều tạm bợ, lụp xụp
Hộ bà Quang Thị Hồng sinh sống tại bản Minh Phương chia sẻ: “Đợt nhà máy xả lũ, nhà tôi phải tháo dỡ nhà sàn ba gian, giờ cũng chưa có nhà ở. Nhà máy và tỉnh hỗ trợ 70 triệu thì chỉ làm được cái lều ở tạm và chuyển gỗ lên nơi tái định cư là hết rồi”.
Cùng chung quan điểm với bà Hồng, bà Vi Thị Thong có hộ khẩu tại Bản Lạ cũng cho biết: “ Nhà tôi là nhà sàn hai gác trị giá 800 triệu đồng, sau khi dỡ ra, giờ gỗ chỉ còn sử dụng được một nửa, thủy điện hỗ trợ được 70 triệu, giờ không làm được nhà. Tôi đề nghị nhà máy đền bù 800 triệu đồng”.
Ở một góc độ khác, bà Lương Thị Kỳ phản ánh với phóng viên Môi trường và Cuộc sống rằng gia đình bà tháo nhà xuống thì cái gì cũng bị hư hỏng nhưng tại sao cùng bị thiệt hại mà nhà bên cạnh được hỗ trợ mà nhà bà lại không được hỗ trợ. Rồi bà yêu cầu: “ Nhà tôi trị giá 400 triệu đồng, đề nghị thủy điện đền bù cho đủ”.
Những ngôi nhà bị thủy điện xả lũ cuốn trôi chỉ còn trơ lại khung, người dân không dám ở
Ông Lim Văn Vinh ở Bản Lạ đề xuất ý kiến là “cấp trên nên kiểm tra xác định rõ thiệt hại của từng gia đình để đền bù, tránh tình trạng bình quân cào bằng chia đều cho từng nhà. Ông cũng cho biết nhà ông thiệt hại nhà cửa cây cối khoảng 200 triệu. Đồng thời cũng đề nghị nhà máy thủy điện đền bù thiệt hại thỏa đáng.”
Bên cạnh đó, các hộ dân bản Minh Phương và bản Lạ bị thiệt hại trong đợt nhà máy thủy điện xả lũ cũng đề nghị lãnh đạo huyện, xã, cần tăng diện tích đất ở tái định cư cho dân. Vì với tập quán nhà sàn dân tộc Thái, Khơ Mú… thì chiều rộng lô đất một chiều phải khoảng 15 mét mới đủ làm nhà. Hiện nay các lô đất dự kiến chia cho dân ở tái định cư một chiều chỉ có khoàng 10 đến 12 mét nên không đủ cho dân dựng nhà.
Cần bồi thường thiệt hại cho dân đúng và đủ
Trao đổi với phóng viên Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn, chủ tịch UBND xã Lượng Minh ông Vi Đình Phúc – Chủ tịch UBND xã Lượng Minh khẳng định đơn trình bày kiến nghị của các hộ dân là đúng sự thật. Ông Phúc cho biết thêm: “Trong đợt Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ vào cuối tháng 8 năm 2018, có 12 hộ dân Bản Lạ, 12 hộ dân bản Minh Phương và 7 hộ ở các bản khác bị ảnh hưởng trực tiếp”.
Ông Vi Đình Phúc – Chủ tịch UBND xã Lượng Minh khẳng định đơn trình bày kiến nghị của các hộ dân là đúng sự thật
Phát biểu về quan điểm nhà máy thủy điện xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho dân, ông Phúc khẳng định: “Bác Hồ đã từng căn dặn: “ Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Đáng ra khi xả lũ với tần suất và cường độ cao gây thiệt hại cho dân lớn như vậy, Thủy điện Bản Vẽ nên có hướng nào để sớm khắc phục hậu quả, đằng này họ cứ nói xả lũ đúng quy trình. Thế nào là đúng quy trình? Vậy thử hỏi nếu như xả lũ đúng quy trình cho dù dân có ảnh hưởng thiệt hại, chết người hàng loạt, anh cũng xả và nói đúng quy trình à?”.
Để tìm hiểu thêm về trách nhiệm và quan điểm của lãnh đạo huyện Tương Dương trong vụ Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho người dân địa phương. Phóng viên đã gọi điện cho ông Phan Đức Sơn – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nhiều lần nhưng ông Sơn không nghe máy, nhắn tin cũng không trả lời.
Ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết: “Vấn đề đền bù thiệt hại cho người dân đang chờ ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ”
Đồng thời, PV cũng liên hệ với ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ để làm rõ thông tin Thủy điện xả lũ gây thiệt hại nặng nề nhưng không chịu đền bù thỏa đáng cho người dân xã Lượng Minh, đặc biệt là người dân bản Lạ và bản Minh Phương. Tại buổi làm việc, ông Hùng cho biết: “Vấn đề này Công ty đã báo cáo với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn cũng đã trình lên Chính phủ mà trực tiếp là Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đang chờ ý kiến”.
Được biết trong Thông báo số 143/TB – VPCP , ngày 13/4 năm 2019, Phó thủ tướng Trịnh Định Dũng đã “ yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An rà soát các tồn tại vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thiệt hại sau bão số 4 (tháng 8/2018) của người dân vùng Dự án thủy điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của Dự án”
Một vấn đề nữa mà dư luận đang thực sự quan tâm hiện nay là Công ty Thủy điện Bản Vẽ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An hay UBND tỉnh Nghệ An sẽ phải chịu trách nhiệm về việc Nhà máy thủy điện Bản Vẽ xả lũ gây thiệt hại nặng nề cho người dân vùng hạ lưu, nhất là tại huyện Tương Dương.?
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc
Kế Hùng