Australia: Sydney đứng trước nguy cơ cạn kiệt nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:02, 19/11/2019
Australia đang đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất nhiều thập kỷ và tình trạng cháy rừng nghiêm trọng. Cháy rừng lan rộng do thời tiết khô nóng, khiến 4 người thiệt mạng. Các hồ đập chứa nước tại Sydney, thành phố thuộc bang New South Wales với hơn 5 triệu cư dân, đứng trước nguy cơ khô cạn vào năm 2022.
Từ tháng 6, Sydney đã bắt đầu giới hạn nước ở mức 1, nghĩa là hạn chế lượng nước dùng để đổ đầy bể bơi hoặc dẫn vào các vòi nước không sử dụng. Đây là lần đầu tiên các quy định này được áp dụng kể từ năm 2003, trong đợt hạn hán kéo dài đến năm 2009.
Nếu lượng nước trong các hồ đập giảm thêm vài phần trăm, người dân có thể đối mặt với quy định chặt chẽ hơn. Hồ đập ở Sydney đầy 46,6% và đang trên đà giảm xuống 40%. Điều này nghĩa là đến tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau, chính quyền có thể áp dụng quy định giới hạn nước mức 2. Melinda Pavey, người đứng đầu cơ quan quản lý nước của New South Wales cho biết, bà không muốn “khiến mọi người hoảng sợ một cách không cần thiết”, nhưng chính quyền đang cân nhắc giới hạn nước mức 2.
Mực nước ở đập Warragamba, Sydney, hôm 23/10. Ảnh: Brook Mitchell
Giới hạn mức 2 sẽ hạn chế lượng nước dùng trong hoạt động thường ngày nhiều hơn, ví dụ, chỉ cho phép tưới vườn cây vài ngày trong tuần thay vì hàng ngày. “Với tốc độ khô cạn hiện nay, chúng ta có thể gặp rắc rối lớn trong vài năm tới”, Pavey nhận định. Bà cho biết, đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất lịch sử New South Wales.
Hạn hán và cháy rừng là những dấu hiệu khẩn cấp nhất của khủng hoảng khí hậu ở Australia. Thảm họa như cháy rừng và lũ lụt ảnh hưởng lớn đến công việc của nông dân và gây thiệt hại hàng triệu đô la. Australia ngày càng khô nóng, thiếu mưa. Vào thời điểm này năm ngoái, các hồ đập đầy khoảng 64,4%.
Hơn 85% nguồn cung nước của Sydney phụ thuộc vào mưa. Nếu hạn hán tiếp tục kéo dài và hồ đập khô cạn, người dân sẽ đối mặt với khủng hoảng nước nghiêm trọng và có rất ít nguồn cung thay thế.
Người dân đang tăng cường kêu gọi hành động vì môi trường. Hàng nghìn sinh viên tham gia biểu tình về khí hậu trong khi các nhà hoạt động của nhóm Extinction Rebellion chặn tàu chở than và ngăn đường. Năm 2015, Australia đồng ý cắt giảm lượng thải carbon theo Hiệp định Khí hậu Paris. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Thủ tướng Scott Morrison và chính phủ chưa đủ nỗ lực. Ông cũng lảng tránh những câu hỏi về biến đổi khí hậu vào cuối tuần trước.
Hồng Trang (T/h)