Hà Nội: Có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
Kinh tế - Ngày đăng : 12:00, 26/09/2019
6 huyện của TP Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai.
Hiện, Thành phố đang chỉ đạo thị xã Sơn Tây hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ công nhận Thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Thạch Thất đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2019.
Huyện Đan Phượng là một trong những huyện thuộc TP Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn TP Hà Nội đã có 325/386 xã (chiếm tỷ lệ 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn rất nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,8%); bình quân đạt 18,53 tiêu chí/xã, cũng cao vượt trội so với bình quân chung cả nước (15,26 tiêu chí/xã).
Về phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, mặc dù thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, song sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010 – 2018 vẫn tăng trưởng và phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010.
Hà Nội luôn xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, tạo tiền đề tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn thành phố đã dồn điền đổi thửa được gần 80 nghìn ha, đạt 104,6 % so với kế hoạch. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa cũng đạt trên 99%.
Toàn thành phố có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang dần khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Cùng với phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, đời sống người nông dân cũng không ngừng được nâng cao qua các năm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đã đạt 46,5 triệu đồng/người/năm (tăng 33,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1,81%. Một số huyện hiện có tỷ lệ hộ nghèo còn thấp dưới 1% như: Quốc Oai 0,46%, Gia Lâm 0,56%, Hoài Đức 0,92%… Cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, thiết chế văn hoá… ngày càng được củng cố và nâng cao, góp phần quan trọng cải thiện đời sống cho người nông dân.
Để đạt được kết quả trên, Hà Nội đã huy động 76.451 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, ngoài nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ, trong 10 năm qua, TP Hà Nội đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 14.741 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng kinh phí. Điển hình như: huyện Chương Mỹ 1.791 tỷ đồng, huyện Hoài Đức 1.291 tỷ đồng, huyện Sóc Sơn 1.223 tỷ đồng…
Trâm Anh (T/h)