Nam Định: Làng tơ tằm trăm năm xuất hiện trên báo quốc tế
Kinh tế - Ngày đăng : 08:30, 25/09/2019
Đến thăm ngôi làng nằm ở tỉnh Nam Định, cách thủ đô Hà Nội khoảng 2 giờ đi xe này vào những ngày cuối cùng của mùa sản xuất. Đó cũng là thời điểm mà hàng chục nhân công, hầu hết là phụ nữ, đang bận rộn tuốt tơ, se tơ tại các xưởng trong làng.
Hầu hết các hộ gia đình đều làm thủ công.
Những người phụ nữ lành nghề ngồi bên khung quay, thoăn thoắt tuốt tơ từ mớ kén tằm bồng bềnh trong nồi nước sôi tỏa khói tại làng Cổ Chất ở Việt Nam, nơi mà nhiều hộ gia đình đã gắn bó với nghề làm tơ tằm hơn một thế kỷ qua. Phóng viên AFP mở đầu bài viết Giữ sợi tơ sống mãi tại một làng tơ tằm Việt Nam với nét lao động đặc trưng của người dân nơi đây.
Sản xuất kén tằm phụ thuộc 90% vào thời tiết, các sản phẩm của chúng tôi sẽ bị hư hỏng nếu không được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Ngay cả khi sợi tơ có chất lượng tốt nhất vẫn bị hư hại nếu gặp thời tiết khắc nghiệt”, ông Phạm Văn Ba, chủ một xưởng sản xuất đồng thời lớn lên trong gia đình có ba đời theo nghề tơ tằm tiết lộ với phóng viên hãng thông tấn của Pháp.
Theo AFP, mỗi ngày, một nhân công có thể chế biến khoảng 30kg kén tằm, và sản phẩm tơ cuối cùng được bán cho thương lái để xuất khẩu sang Lào và Thái Lan. Một số hộ trong làng đã chuyển sang đầu tư máy quay tơ hiện đại, tuy nhiên, phần lớn vẫn chọn cách sản xuất truyền thống dù phải ngồi cả ngày đầm đìa mồ hôi trong xưởng nóng bức.
Kéo tơ bằng thủ công tốn nhiều công sức của người thợ song vẫn được người dân trong làng ưa chuộng hơn việc dùng máy móc
Theo giải thích của ông Ba, “việc sản xuất thủ công có thể giúp “cứu” được những sợi tơ còn dùng được dù không đạt chuẩn. Nguyên liệu không chuẩn thì máy cũng không thể làm được, máy thua thủ công, nên từ xưa giờ ở địa phương này toàn làm thủ công. Hàng đầu vào kén tằm đẹp thì người ta làm tơ đẹp, hàng đầu vào xấu thì người ta làm tơ vừa vừa”
Được biết, mỗi người thợ lành nghề có thể thu nhập 10 USD (khoảng 230.000 đồng)/ngày. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Trần Thị Hiền – lao động tại làng, mức thu nhập trên khá bấp bênh. “Nếu giá thị trường tăng, chúng tôi sẽ kiếm được lời. Còn không thì mức tiền này chỉ đủ để trang trải chi phí hằng ngày”, người phụ nữ 37 tuổi này chia sẻ.
Giống như nhiều người khác sống ở làng Cổ Chất, chị Hiền cũng lo lắng về tương lai của nghề tơ tằm khi nhiều thanh niên trong làng không muốn tiếp nối nghề gia đình mà bị cuốn vào những công việc khác ở chốn thành thị. “Con tôi nói với tôi rằng nghề này khó khăn quá, chúng muốn tìm những công việc khác để thay thế”, chị Hiền nói thêm.
Tú Anh (T/h)