ĐBSCL: Nghề nuôi yến “bùng phát”
Kinh tế - Ngày đăng : 12:00, 18/10/2019
Nuôi và khai thác chim yến là một nghề phát mang lại giá trị kinh tế, với thu nhập tiền tỷ. Từ đó, đã góp phần không nhỏ cho thu nhập, phát triển kinh tế của các hộ dân. Dẫn đến ở nhiều địa phương trong khu vực, các nhà yến mọc lên ngày càng nhiều theo kiểu tự phát. Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh An Giang, đến đầu năm 2019, tổng số nhà yến đã lên gần 600 (tăng gấp đôi so với năm 2018).
Tại các địa phương như TP Long Xuyên, TP Châu Đốc, huyện Phú Tân, Châu Phú, Thoại Sơn… Điều đáng nói là đa số các hộ nuôi chim yến ở các địa phương mang tính tự phát bởi chủ trương của tỉnh chưa có quy hoạch vùng nuôi yến. Điều này dẫn đến rủi ro cho người nuôi và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của dân cư quanh khu vực nuôi yến.
Một nhà nuôi yến tại TP Bạc Liêu
Nuôi và khai thác chim yến là một nghề phát triển khá mạnh. Các sản phẩm yến sào không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao với mức giá xuất khẩu chủ yếu từ 1.500- 2.000 USD/1kg. Từ đó, đã góp phần không nhỏ cho thu nhập, phát triển kinh tế của các hộ dân, cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Tại tỉnh Kiên Giang, hiện có hơn 2.200 nhà nuôi chim yến. Còn Bạc Liêu là một trong những địa phương được xem là có hộ dẫn dụ, gây nuôi chim yến lớn tại ĐBSCL. Hiện tỉnh có gần 1.100 nhà nuôi yến với tổng đàn hơn 452.000 con.
Một số hộ nuôi yến ở TP Bạc Liêu (tỉnh Bac Liêu) thừa nhận nghề nuôi yến có thuận lợi rất lớn là không cần mua con giống, thức ăn. Thay vì của thiên nhiên không ai khai thác thì việc dẫn dụ nuôi chim yến mang về tiền tỷ. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn còn khá bỡ ngỡ, chưa hiểu rõ các quy định hiện hành về quản lý nghề.
Tại Sóc Trăng, theo ngành chức năng, trước thời điểm tháng 6/2013 toàn tỉnh chỉ có 17 hộ dẫn vụ chim yến với tổng đàn ước tính khoảng 7.600 con, đến nay đã tăng lên hơn 480 hộ, với tổng đàn khoảng 80.500 con. Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp & Phát Triển nông thôn (NNPTNT), bên cạnh lợi nhuận kinh tế cao thì nghề nuôi chim yến cũng có nhiều rủi ro, bởi báo cáo về ngành nuôi chim yến của cả nước trong khu vực thì tỷ lệ thành công trong quá trình dẫn dụ yến chỉ khoảng 30 – 40%.
Cả nước hiện có 42 tỉnh, thành phố hình thành và phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà với tổng số gần 9.000 nhà yến; nhiều nhất là tại vùng ĐBSCL, là thông tin được đưa ra tại hội thảo chuyên đề về quản lý nuôi chim yến được tổ chức ở tỉnh Bạc Liêu ngày 14/10.
Tại đây, ngành chức năng thừa nhận nhà nuôi yến được người dân xây dựng theo kiểu tự phát, đến nay vẫn chưa có qui định hành lang pháp lý nào cho nghề này, từ qui cách xây dựng, đến vấn đề xử lí vệ sinh, tiếng ồn, quản lí dịch bệnh….
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay như chưa có văn bản hướng dẫn của Trung ương về lĩnh vực quản lý, xây dựng, đất đai, môi trường, kỹ thuật sản xuất, chế tài xử lý, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật… đối với nghề dẫn dụ và gây nuôi chim yến. Trước mắt, việc chế tài rất khó thực hiện, còn về mặt xây dựng là địa phương quản lý.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho rằng: “Cần có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà nuôi yến đúng, có các tiêu chuẩn nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học. Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về nhà yến và tổ yến. Đồng thời, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính cụ thể đối với hành phát âm thanh dẫn dụ chim yến làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân xung quanh”.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản về việc “Tăng cường quản lý hoạt động nuôi chim yến tại các đô thị trên địa bàn tỉnh”. Nội dung văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố phải lập danh sách các nhà yến đang tồn tại (kể cả đang xây dựng) trên địa bàn quản lý; không để phát sinh nhà yến mới trên địa bàn.
Minh Anh (T/h)