Hải Dương: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 08:30, 12/11/2019
Thời gian qua, có hàng trăm nguồn nước xả thải đổ ra sông Thái Bình, Kinh Thầy, Đá Vách… từ hoạt động kinh doanh sản xuất của các công ty trên địa bàn thành phố Hải Dương, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, xăng dầu thải từ tàu thuyền, nước xả thải sinh hoạt của các khu dân cư…dẫn đến khiến nguồn nước đầu vào để sản xuất nước sạch của Công ty Cổ phần kinh doanh nước sạch Hải Dương có nguy cơ bị ô nhiễm.
Điểm xả của bãi than dọc các bờ sông Kinh thầy, sông Đá vách
Chứng kiến tại sông đá Vách, các bãi than kinh doanh, tại các điểm bờ sông sạt lở, nước mặt của bãi than vô tư chảy tràn xuống sông. Nguồn nước sông đặc quánh, đen sì cộng với đủ thứ rác rưởi, chai lọ vứt xuống dòng sông.
Một người dân thường xuyên đánh cá tại sông Kinh Thầy chia sẻ, nguồn nước từ một số cống ngầm, phía nhà máy xã Phạm Mệnh, nước đi tới đâu cá chết tới đó, tôm đánh trong rọ chết vàng.
Tại Ninh Giang, điểm khai thác nước cách khoảng 800 m về phía thượng nguồn là một nhà máy giết mổ lợn sữa. Cũng tại phường Đồng lạc – Chí Linh, có doanh nghiệp tư nhân cho tập kết cát đá, vật liệu xây dựng họ tiến hành thau rửa các vật liệu và xả trực tiếp xuống sông Kinh Thầy, ngay cạnh điểm khai thác nước của công ty.
Nhiều khu vực vi phạm đáng lo ngại, tồn tại nhiều năm nay nhưng không được xử lý đó là 2 khu vực hút nước từ sông Thái Bình phục vụ cho 3 nhà máy sản xuất nước sạch (Nhà máy nước Cẩm Thượng, Nhà máy sản xuất nước sạch số 1 và số 5, thuộc phường Cẩm Thượng và phường Việt Hoà, TP Hải Dương), có tổng công suất 125.000 m3/ngày đêm, sản xuất nước phục vụ trên 50% dân số toàn tỉnh.
Trước đó, Ông Phạm Minh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho hay, thời gian qua, Công ty đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, lực lượng quản lý đường thuỷ nội địa và các địa phương sở tại xây dựng phương án, khoanh định và thực hiện việc cắm mốc, đặt biển báo vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt thuộc phạm vi công trình của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, các bến bãi lại được cấp phép hoạt động quá gần, nước thải từ các nhà máy, khu dân cư lại được xả vào khu vực vùng bảo hộ khiến nguồn nước đầu vào các nhà máy đang bị ô nhiễm gây khó khăn trong công tác xử lý nước sạch.
Để bảo vệ nguồn nước đầu vào cho các nhà máy sản xuất nước sạch, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương và các sở ban ngành rà soát các công trình cấp phép nằm trong hành lang bảo vệ từ đó có phương án di rời và có biện pháp ngăn chặn tình trạng xả thải tràn lan gây ô nhiễm như thời gian qua.
Nhật Lệ (T/h)