Năng lượng tái tạo còn nhiều điểm “nghẽn”
Kinh tế - Ngày đăng : 09:35, 28/11/2019
Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời đạt tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất điện quốc gia. Con số này vượt rất xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Tuy nhiên, do sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo, trong khi đó hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới sự quá tải.
Chia sẻ tại hội thảo, Ths. Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên HĐKH Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, để xây dựng và đưa vào vận hành một dự án NLTT chỉ mất thời gian 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, để triển khai các thủ tục đầu tư, và xây dựng đường dây, trạm biến áp truyền tải thông thường phải mất từ 2 đến 3 năm, nếu vướng mắc trong đền bù, giải tỏa mặt bằng… thời gian có thể kéo dài thêm 1 đến 2 năm.
Trên thực tế, sự mất đồng bộ giữa phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió gây ra các “điểm nghẽn” về truyền tải. Trong đó, theo ông Tuấn sự “bùng nổ” của các dự án điện mặt trời trong khi hệ thống truyền tải không đáp ứng được khiến nhiều nhà máy phải giảm phát từ 10 đến trên 50%. Chỉ từ năm 2018 đến hết tháng 6/2019, công suất điện Mặt Trời đã tăng gấp trên 51 lần, từ 86MW lên đến trên 4.400 MW.
Ảnh minh họa
Đến nay, tỷ lệ công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (trừ thủy điện vừa và lớn) đã chiếm tới 15,4% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng cơ cấu nguồn, nhưng sản lượng chỉ chiếm khoảng 1%. Nhiều chuyên gia cho rằng điểm “nghẽn” sâu xa nằm ở việc quy hoạch.
Ngoài ra, các địa phương có tiềm năng phát triển điện sạch cũng chưa quy hoạch sử dụng đất cho loại hình mới này, mất thời gian, thủ tục cho bổ sung quy hoạch; chưa có quy trình về công bố thông tin dự án cho các nhà đầu tư, chủ yếu các nhà đầu tư vẫn tự tìm địa điểm để xin cấp phép đầu tư, có khi chồng chéo quy hoạch, khó triển khai dự án, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Theo chia sẻ của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trước hết, phải đặt câu hỏi, điểm nghẽn nằm ở đâu khiến các dự án gặp khó khi phát triển. Chỉ trong vòng mấy tháng qua, quy hoạch điện Mặt Trời đã bị phá vỡ.
“Vấn đề về chất lượng quy hoạch ngành, sự thiếu minh bạch, công khai… Cá nhân tôi chỉ biết đến vấn đề phá vỡ quy hoạch, giảm phát của các dự án năng lượng tái tạo thời gian gần đây. Nếu có sự công khai minh bạch ngay từ đầu, có sự đóng góp của xã hội, chuyên gia thì chắc không có vấn đề này,” ông Ánh nói.
Một vấn đề nữa mà quy hoạch cần đề cập tới và vốn cho truyền tải điện. Để phát triển điện và truyền tải điện, cần tới hàng trăm tỷ USD, sẽ lấy đầu ra. Do vậy, quy hoạch điện cũng phải gắn với quy hoạch vốn. Hiện nay đã có chương trình Tín dụng xanh hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi các dự án liên tục bị cắt giảm công suất, năng lực chi trả khoản vay sẽ ra sao và cơ hội vay các dự án khác…
Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN, với 2 địa phương điểm nóng là Ninh Thuận, Bình Thuận, tập trung quá nhiều dự án khiến lưới truyền tải chịu áp lực lớn. EVN chia sẻ với địa phương là đề nghị các chủ đầu tư cùng chung tay với EVN xây dựng hệ thống truyền tải, có thể từ nhà máy vào đường dây chính. Nhưng nguyên tắc cuối cùng là phải có quy hoạch. Tư nhân hay nhà nước làm thì đều phải có quy hoạch.
Dự kiến, đến tháng 6/2020, EVN sẽ hoàn thành các dự án đầu tư lưới để giải tỏa công suất điện Mặt Trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận đưa vào vận hành trước 6/2019. Trong khi câu chuyện về lưới truyền tải không “tải” hết được công suất các dự án điện sạch, chủ yếu tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận, vấn đề đặt ra là sẽ thu hút nguồn vốn tư nhân vào lưới điện truyền tải như thế nào.
Về chủ trương này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho hay, Bộ Công Thương rất ủng hộ việc xã hội hóa lưới truyền tải. Có 2 hình thức đầu tư: hình thức đầu tư vào lưới điện để đấu nối từ nhà máy đến điểm đấu nối. Trong trương hợp này thì theo quy định pháp luật, nếu nhà đầu tư đầu tư cả nhà máy và đường dây đấu nối thì giữa nhà đầu tư và ngành điện sẽ thống nhất phạm vi đầu tư, khi đầu tư quản lý vận.
Còn việc đầu tư lưới truyền tải, trong luật điện lực có quy định nhà nước độc quyền trong truyền tải, thì phải làm rõ độc quyền cả đầu tư hay chỉ quản lý vận hành.Ở đây, Bộ Công Thương đề xuất giải thích theo hướng độc quyền về quản lý vận hành, còn hình thức đầu tư vẫn cho phép xã hội hóa.
Minh Anh (t/h)