Hà Nội: Nâng cao giá trị cho cây ăn quả
Kinh tế - Ngày đăng : 02:00, 27/11/2019
Những năm qua, sản lượng một số nhóm cây ăn quả trên địa bàn TP tăng mạnh. Sản phẩm cũng tương đối đa dạng, đáng chú ý, có đến 60% diện tích trồng các loại cây ăn quả đặc sản như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối (sử dụng giống nuôi cấy mô), ổi Đông Dư…
Bên cạnh các loại cây ăn quả đặc trưng của Hà Nội, một số giống cây ăn quả mới cũng đang được du nhập, canh tác ngày một phổ biến trên địa bàn TP như: Xoài chịu lạnh, thanh long ruột đỏ, táo, ổi không hạt, đu đủ ruột tím… Nhiều vườn quả cho thu nhập 500 – 600 triệu đồng/ha, cao gấp 5 – 6 lần so với trồng lúa. Cá biệt có những vườn quả cho doanh thu từ 1 – 1,5 tỷ đồng/ha. Điển hình như bưởi đường Quế Dương tại xã Cát Quế hay cam Canh tại xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức)…
Ảnh minh họa
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, cùng với diện tích trồng cây ăn quả tăng trên 1,5% so với cùng kỳ năm 2018, cơ cấu các loại cây trồng tiếp tục có sự dịch chuyển theo hướng chuyên canh tập trung. Trong đó, diện tích cây ăn quả đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương đều tăng nhanh. Hiện, toàn TP đã có trên 11.000ha diện tích sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao theo hướng cải tiến.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào canh tác cây ăn quả cũng được đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn TP đã có khoảng 1.000ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có trên 634ha sử dụng giống chất lượng cao; khoảng 372ha chuối ứng dụng công nghệ cao… Diện tích cây ăn quả theo hướng VietGAP khoảng 45ha. Các mô hình cây ăn quả áp dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất khoảng 18%.
Bên cạnh nâng cao chất lượng cho cây ăn quả, TP cũng tập trung phối hợp, hỗ trợ tích cực các địa phương phát triển thương hiệu. Hà Nội hiện đã xây dựng được 12 nhãn hiệu cây ăn quả tập thể. Điển hình là: Bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, cam Canh Kim An, phật thủ Đắc Sở, nhãn chín muộn Đại Thành, chuối Vân Nam…
Các địa phương cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm giảm giá thành, tăng thu nhập. Ðồng thời cũng cần tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP, hữu cơ) và đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường chế biến sâu các sản phẩm quả, gia tăng giá trị sản xuất; mở rộng thị trường, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cần quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản.
Đối với cả nước, nhờ sự quan tâm đầu tư và phát triển toàn diện cho nên những năm qua, diện tích cây ăn quả trên cả nước liên tục tăng, kéo theo đó là sản lượng và giá trị cũng tăng lên, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều mặt hàng hoa quả đã xuất khẩu đến những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Minh Anh (t/h)