Việt Nam phát triển bền vững ngành cà phê
Kinh tế - Ngày đăng : 12:00, 05/12/2019
Diện tích cây cà-phê của nước ta hiện nay đạt khoảng 688.000 ha, với năm vùng sản xuất chính là: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và các tỉnh trung du miền núi phía bắc. Mặc dù là nước sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà-phê nhân lớn thứ hai trên thế giới nhưng người trồng cà-phê ở nước ta đang phải trải qua thời kỳ khó khăn khi giá bán liên tục biến động theo chiều hướng xấu. Cụ thể, giá cà-phê tại các tỉnh Tây Nguyên liên tục ở mức thấp, nhiều thời điểm chỉ còn khoảng 32 nghìn đồng/kg. Nhiều nông dân không bám trụ được đã phải bỏ rẫy. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng năm 2019, xuất khẩu cà-phê chỉ đạt 2,5 tỷ USD, giảm 15,2% về giá trị và 22,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh minh họa
Để phát triển bền vững, ngành cà phê Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào các vùng nguyên liệu, các công ty trồng và sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng hạt cà phê từ nông trại đến người tiêu dùng; xây dựng các tiêu chuẩn về cà phê bền vững, cà phê chứng nhận, đáp ứng nhu cầu, điều kiện kỹ thuật của người mua; hỗ trợ nông dân về vốn để họ yên tâm trồng trọt…
Để phát triển ngành cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế các doanh nghiệp sản xuất cần quan tâm các giải pháp như: đẩy mạnh công tác tái canh cà phê, hỗ trợ đầu tư tín dụng và cho vay chương trình tái canh cà phê cho người trồng trọt, liên kết chuỗi giá trị cà phê để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, chuyển đổi giống, mùa vụ để sản xuất ra loại cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong tương lai, ngành cà-phê được dự báo sẽ còn phải đối mặt không ít trở ngại, thách thức. Để vượt qua khó khăn về phía người nông dân, phải tiết kiệm chi phí đầu vào, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện giá bán. Ngoài việc tuân thủ kỹ thuật chăm sóc, thu hái, người trồng cà-phê còn cần phải chú trọng đầu tư, nâng cao kỹ thuật sơ chế sản phẩm. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần có các giải pháp giãn nợ, khoanh nợ để người dân có điều kiện duy trì vườn cây, tái sản xuất. Về lâu dài, ngành cà-phê cần đẩy mạnh tái canh, tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn về cà-phê bền vững, cà-phê chứng nhận, đáp ứng nhu cầu, điều kiện kỹ thuật của người mua; hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật để họ yên tâm trồng trọt.
Đặc biệt, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát triển hạ tầng thương mại (chợ đầu mối, siêu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ…), hệ thống logistics kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Bên cạnh tập trung duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, cần nhanh chóng phát triển các thị trường tiềm năng nhất là EU và các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, các nước ASEAN…
Minh An (t/h)