Công nghệ 4.0 giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo

Kinh tế - Ngày đăng : 11:05, 17/12/2019

Moitruong.net.vn – Ứng dụng công nghệ mới như sàn giao dịch điện tử, điện thoại thông minh và internet… giúp gần 800 phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.

Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong giảm nghèo đa chiều, khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo trong giai đoạn 4 năm từ 2012 đến 2016. Thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại là làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ giải quyết tình trạng nghèo kinh niên đang tập trung chủ yếu ở các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng miền núi, xa xôi hẻo lánh.

Những sản phẩm nông sản của phụ nữ dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ kết nối và đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Shopee, Vỏ sò, Lazada… Việc mở rộng cơ hội gia nhập thị trường đang giúp đồng bào dân tộc thiểu số tang tốc giảm nghèo.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 17/12 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, nêu bật tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Dự án “Hỗ trợ phụ nữ Dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, góp phần quan trọng nhằm tạo dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các tổ nhóm phụ nữ để áp dụng công nghệ và nâng cao năng lực, phát triển các hoạt động sinh kế giảm nghèo và có khả năng áp dụng các công nghệ 4.0 trong tiếp cận thị trường và huy động sự tham gia của các đối tác và các nguồn lực bên ngoài, tại chỗ và đem lại thu nhập cho các hộ nghèo”, Thứ trưởng Thanh nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, đại diện các bên tham gia dự án đã chia sẻ những kết quả, thách thức, bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp tiếp tục nhân rộng mô hình “Liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi sản phẩm bản địa ứng dụng nền tảng thương mại điện tử” phù hợp với hộ nghèo, người dân tộc thiểu số gắn kết với phương pháp truyền thống, văn hóa bản địa một cách hiệu quả, bền vững tới các địa phương khác như: Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kon Tum…

Dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0” được xây dựng và triển khai dựa trên cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2019, UNDP đã triển khai hỗ trợ kỹ thuật cho hai tỉnh Đắk Nông và Bắc Kạn thực hiện Dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Hoạt động này góp phần quan trọng nhằm tạo dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các tổ, nhóm phụ nữ để áp dụng công nghệ, nâng cao năng lực, phát triển các hoạt động sinh kế giảm nghèo, tiếp cận thị trường, huy động sự tham gia của các đối tác, các nguồn lực bên ngoài và tại chỗ, đem lại thu nhập cho các hộ nghèo.

Thông qua dự án này, các nhóm dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt là phụ nữ và các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách của chính phủ có cơ hội được kết nối, cùng đồng hành trong hành trình tăng tốc giảm nghèo.

Minh Anh (T/h)

Minh Anh (T/h)