Hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế
Kinh tế - Ngày đăng : 10:30, 31/12/2019
Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động từ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được tổ chức rộng khắp đến tận các khu dân cư, tạo được sự lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn, sử dụng hàng hóa có xuất xứ, nhãn hiệu, thương hiệu Việt.
Ảnh minh họa
Nhóm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam chiếm tới 95% tổng số hàng hóa bán ra tại các siêu thị; chiếm từ 70 – 80% tại các chợ và thị trường nông thôn. CVĐ từng bước đã chuyển đổi hành vi trong sinh hoạt hàng ngày, ưu tiên mua sắm và góp phần đấu tranh, phê phán các hành vi, tâm lý chuộng hàng ngoại tại cộng đồng dân cư và các cơ quan, đơn vị.
Nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ưu tiên dùng hàng Việt Nam được nâng lên thể hiện qua 2 lần lấy ý kiến thăm dò trong nhân dân. Qua điều tra thăm dò cho thấy, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường trong nước. Người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã và từng bước có thói quen sử dụng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ trong nước. Thông qua CVĐ, nhận thức của các doanh nghiệp được nâng lên. Các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam được sản xuất tại tỉnh đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực trong triển khai thực hiện CVĐ, công tác tuyên truyền có nơi, có lúc chưa được thường xuyên và đi vào chiều sâu khiến cho sức thu hút, lôi kéo các tầng lớp nhân dân tham gia CVĐ chưa thật sự mạnh mẽ. Một số ít doanh nghiệp chưa chủ động tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc phát hiện, nhân rộng các điển hình tập thể và cá nhân thực hiện tốt việc ưu tiên sử dụng hàng Việt để khen thưởng, biểu dương chưa triệt để; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng mang thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao còn xuất hiện nhiều trên thị trường, gây ra tâm lý ngại mua hàng Việt Nam của người tiêu dùng.
Thời gian tới sẽ tiếp tục vận động để các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm, từ đó nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; tích cực tham gia ngăn chặn hàng nhái, hàng giả. Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt.
Minh Anh (T/h)