Kết thúc một năm trầm lắng của xuất khẩu gạo
Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 30/12/2019
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, khối lượng gạo xuất khẩu tăng trở lại sau kì nghỉ Tết kéo dài một tuần vào tháng 2. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu trong năm nay chủ yếu đi theo xu hướng ổn định sau đó giảm. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt hơn 365.000 tấn, với giá trị hơn 168 triệu USD; đưa tổng khối lượng xuất khẩu 11 tháng đầu năm lên gần 5,9 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kì năm ngoái nhưng giá trị xuất khẩu giảm 9,6% xuống khoảng 2,57 tỉ USD.
Việc Trung Quốc siết chặt hoạt động nhập khẩu nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng cũng tác động phần nào tới xuất khẩu gạo của Việt Nam. Cuối tháng 12/2018, đại diện Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho hay 3 trong số 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bị nước này từ chối nhập khẩu do vi phạm qui định về an toàn thực phẩm.
Ảnh minh họa
Ngoài Trung Quốc, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm với 33,2% thị phần – Phillipines (theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản), cũng xảy ra nhiều biến động. Đầu năm, quốc gia Đông Nam Á thực thi đạo luật tự do hoá thị trường gạo trong nỗ lực giảm tình trạng thiếu gạo và tăng giá nghiêm trọng. Theo đó, chấm dứt sự thống trị về quản lí hoạt động nhập khẩu gạo của Cơ quan Lương thực Quốc gia Phillipines và cho phép mọi thực thể trong nước thu mua gạo quốc tế theo hình thức hạn ngạch, thuế quan.
Về XK lúa gạo năm 2020, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo XK gạo của Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn. Lý do bắt nguồn từ tình hình Hồng Kông (Trung Quốc) khủng hoảng chính trị và Indonesia sẽ giảm NK gạo (Indonesia tập trung tiêu thụ lượng gạo đang dự trữ trong kho, hiện đang tồn lượng quá lớn). Tuy nhiên, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng phân tích thêm: Mới đây Thái Lan đã triển khai gói trợ cấp cho ngành lúa gạo giai đoạn 10/2019-10/2020, dự báo giá gạo Thái Lan sẽ cao làm giảm khả năng cạnh tranh. Đây sẽ là cơ hội cho các DN XK của Việt Nam trong mở rộng thị trường trong năm 2020.
Một số chuyên gia nhìn nhận: Thời gian tới, vấn đề quan trọng là phải tổ chức lại thị trường trong nước để đảm bảo gạo có chất lượng, bao bì, khả năng cung ứng tốt, đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ các thị trường, điển hình là thị trường Trung Quốc. Về thị trường XK cần thúc đẩy, mở rộng các thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông cũng như những thị trường có khoảng cách địa lý gần như Indonesia, Philippines, tránh phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường chủ lực…
Nhắc tới câu chuyện phát triển dài lâu, ổn định cho ngành lúa gạo Việt Nam, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất lúa, định hướng sản xuất lúa theo vùng. Theo đó, sản xuất lúa vùng đồng ĐBSCL hướng đến thị trường XK và thị trường nội địa ở phân khúc chất lượng cao; vùng Đồng bằng sông Hồng hướng đến thị trường nội địa; các đồng bằng ven biển miền Trung chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội tỉnh.
Minh Anh (t/h)