Hà Nội: Nhiều phương án giải bài toán nước sạch
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 13:00, 10/12/2019
Nước nhiễm asen với tỷ lệ cao
Không phải bây giờ mà ngay từ năm 2001, nước giếng khoan dùng cho hộ gia đình tại vùng ngoại thành Hà Nội cũng được các cơ quan UNICEF, Trung tâm công nghệ môi trường và phát triển bền vững (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá về mức độ ô nhiễm asen tại các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm và Thanh Trì. Kết quả phản ánh mức độ ô nhiễm asen tại Thanh Trì là cao nhất, khi các nhà khoa học lấy 45 mẫu nước chưa qua xử lý cho thấy ô nhiễm asen ở mức 432 µg/l. Huyện Đông Anh mức độ nhiễm asen là thấp nhất, với 48 mẫu nước được lấy thì ô nhiễm asen chỉ ở mức 31µg/l.
Không lâu sau, Trường ĐH KHTN, ĐH QG bắt đầu thực hiện đề tài “Kim loại nặng trong nước ngầm và nước mặt thuộc khu vực Hà Nội”, lấy mẫu phân tích 8 kim loại năng, trong đó có asen. Kết quả phân tích nước ngầm ở nội thành và 4 huyện ngoại thành tiếp giáp nội thành được dựng thành bản đồ. Có nhiều điểm asen cao hơn lmg As/L. Phía Nam Hà Nội bị nhiễm asen nặng hơn các vùng khác. Nước ngầm ở 8 bãi giếng chính của các nhà máy nước, khai thác nước trong tầng Pleistoxen, đều có asen với những nồng độ khác nhau. Ba bãi giếng có nồng độ asen trung bình cao hơn 0,2 mg As/L. Có thời điểm, nồng độ asen lên trên 0,5 mg As/L.
Việc người dân liên tục xả rác bẩn vào ao hồ đã khiến nguồn nước bị ô nhiễm. Ảnh: G.B
Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì bản đồ nhiễm asen nặng của thành phố được bổ sung thêm một loạt địa chỉ mới, trong đó có xã Đông Lỗ ( huyện Ứng Hòa), Liên Phương, Khánh Hà (Thường Tín), Thọ Xuân (Đan Phượng), Phương Trung (Thanh Oai)…”.
Năm 2010, trả lời báo chí, PGS.TS Lê Văn Cát, Trưởng phòng Hóa – Môi trường, Viện Hóa học Việt Nam cho biết: Địa phương có nhiều người nhiễm asen nhất chính là Hà Nội mở rộng hiện nay. Nhiều nơi mức nhiễm vượt quá hàng chục lần cho phép. Ô nhiễm hầu hết là các giếng nhỏ của gia đình và riêng đồng bằng bắc bộ có khoảng 5 triệu chiếc giếng như vậy. Tại xã Nhị Khê, Thường Tín, trong số 17 mẫu khảo sát (giếng gia đình) thì cả 17 đều bị ô nhiễm amoni với nồng độ từ 6-34 mg/l, trong khi đó tiêu chuẩn amoni cho nước sinh hoạt được bộ y tế quy định là 1,5 mg/l. Trái ngược với sự sốt ruột của các cơ quan chuyên môn là sự bình thản từ các hộ dân.
Ông Hồ Việt Ngoạn, một người dân sống tại đây cho biết: “Từ trước tới nay người dân trong xã vẫn dùng nguồn nước giếng và nước máy để sinh hoạt nhưng chẳng ai làm sao. Ngay cả UBND xã cũng chưa một lần thông báo cho dân biết nước nhiễm amoni. Nói chung là tâm lý người dân chúng tôi vẫn bình thường”.
Điều đáng nói ở chỗ, trong quá trình tìm mẫu nước để bổ sung cho bản đồ nhiễm asen trên địa bàn thành phố các nhà khoa học còn phát hiện ra sự thực hết sức đáng lo, đó là việc người dân dùng Thạch tín để yểm tĩnh thần.
Khu vực bị yểm nhiều nhất thuộc phía Tây-Nam thành phố. Tại đây, nhiều người đã lén cho thạch tín xuống những giếng không dùng nữa để Yểm Tĩnh Thần, tức Thần Giếng. Việc này đã thành một tập tục không rõ từ đời nào truyền lại. Vài chục năm trước, Quỳnh Lôi là vùng trũng, ao chuôm nhiều, trước khi đổ đất lấp trũng xây nhà, người dân cũng đã đổ thạch tín xuống đó để Yểm Thần Giếng, trấn Thuỷ Tề, Hà Bá… Đây thực sự là mối hiểm họa cho các hộ dân lân cận, bởi chất độc sẽ theo nguồn nước phát tán đi nhiều nơi.
Nhiều phương án ứng phó để đảm bảo chất lượng nguồn nước
Trong khi bản đồ nhiễm asen ở Hà Nội không ngừng tăng, dẫn tới nhu câu nước sạch cho người dân ngày một cấp thiết. Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, Việt Nam có khoảng 97,2 triệu dân, trong đó, riêng ở Hà Nội, gần 3 triệu dân không nước sạch.
Để đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân Thủ đô, cả hai nguồn nước là nguồn nước mặt và nước ngầm đều được khai thác sử dụng. Tuy nhiên quy mô khai thác nước ngầm được giảm dần nhằm tăng cường sử dụng nguồn nước mặt.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, phạm vi điều chỉnh quy hoạch cấp nước lần này bao gồm toàn bộ địa giới hành chính Hà Nội với tổng diện tích trên 3.550 km2 với mục tiêu rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn.
Mục tiêu quy hoạch đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch đạt 100%, tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 95-100%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 90-100%. Đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch là 100%; tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 100%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 90-100%. Giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2020 đạt dưới 15%.
Để đáp ứng nhu cầu dùng nước của thành phố Hà Nội giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2030, cả hai nguồn nước là nguồn nước mặt và nước ngầm đều được sử dụng. Tuy nhiên quy mô khai thác nước ngầm được giảm dần. Đến giai đoạn đến 2025, thành phố sẽ dừng khai thác nước ngầm tại các trạm xử lý nước ngầm quy mô công suất quá nhỏ, hoạt động không hiệu quả và thay thế bằng nguồn nước mặt từ các nhà máy nước mặt công suất lớn.
Quy hoạch cũng điều chỉnh trong giai đoạn đến năm 2030 dừng hẳn việc khai thác nước ngầm tại các nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam Hà Nội. Giai đoạn đến năm 2050 dừng hẳn việc khai thác nước ngầm khu vực phía Tây Hà Nội. Quy mô khai thác nước ngầm tại các nhà máy tập trung tại khu vực trung tâm, khu vực phía Bắc, khu vực phía Đông Hà Nội giai đoạn 2020, 2030, 2050 giảm dần.
Các nhà máy nước ngầm giảm dần công suất và chuyển thành các trạm bơm tăng áp, nguồn nước dự phòng khi có nguồn nước mặt thay thế và dừng hoạt động từ giai đoạn 2050. Như vậy, nguồn nước sông Hồng, sông Đà, sông Đuống được quy hoạch làm nguồn cung cấp nước thô cho các nhà máy nước mặt quy mô công suất lớn.
Quy mô khai thác nguồn nước mặt sông Hồng giai đoạn quy hoạch đến 2030 để cấp cho các nhà máy nước sông Hồng là 300 nghìn m3/ngày, nhà máy nước Bắc Thăng Long là 150 nghìn m3/ngày, nhà máy nước Tiến Thịnh là 25 nghìn m3/ngày…
Vân Khánh (T/h)