Cấp thiết tạo giống lúa chịu hạn mặn và biến đổi khí hậu
Kinh tế - Ngày đăng : 12:30, 12/01/2020
Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam, biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết trở nên bất bình thường, không còn tuân theo những quy luật cố hữu nữa. Ví dụ rét, nhiệt độ xuống thấp.
Ví dụ nắng, nhiệt độ tăng cao, rồi bão gió, mưa nắng cũng thay đổi rất khó lường. Tình trạng đó sinh ra những dịch bệnh mới, vì những vi sinh vật gây bệnh là sinh học, nên khi khí hậu biến đổi thì nó phải tìm cách để tồn tại, đó là nguyên nhân phát sinh những dịch bệnh mới. Tất cả những hệ lụy trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt.
Không thể ngăn cản được biến đổi khí hậu trong thời gian ngắn. Chúng ta chỉ có thể lường đón nó, chỉ có thể đưa ra những giải pháp để sống chung với nó. Việt Nam là một nước nông nghiệp. Mà nông nghiệp thì phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Cho đến nay, lúa vẫn là cây trồng chủ lực của nông nghiệp nước ta. Trước tình hình trên, việc nghiên cứu tạo ra những giống lúa mới có khả năng chịu được hạn mặn, kháng được bệnh nhưng vẫn có năng suất cao, chất lượng gạo tốt đã trở nên cấp thiết. Nhiệm vụ này đã được Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam đặt ra từ lâu.
Theo chúng tôi, để nghiên cứu tạo ra những giống lúa như anh vừa nói, thì có hai chủ thể phải làm việc này. Thứ nhất là chủ thể nhà nước. Nhà nước phải có chủ trương, phải tập trung chỉ đạo làm việc này. Các viện nghiên cứu, các trường đại học của nhà nước phải tham gia nghiên cứu và đưa ra những giống lúa trên.
Lúa chịu được hạn, mặn, biến đổi khí hậu trở nên cấp thiết
Chủ thể thứ hai là khối các doanh nghiệp cung ứng giống cho sản xuất. Những doanh nghiệp này phải tiếp nhận, chuyển giao các giống chịu mặn từ các viện, các trường hoặc từ nước ngoài để nghiên cứu, tổ chức sản xuất giống thương mại.
Những doanh nghiệp có khả năng nghiên cứu, như ThaiBinhseed chẳng hạn, cũng phải chủ động nghiên cứu. Chỉ có như thế, thì những giống lúa có khả năng chịu được hạn mặn mới trở thành hiện thực, thay thế cho những giống lúa hiện tại.
Đất trồng lúa là loại đất có cấu tượng riêng. Phải mất hàng ngàn năm mới tạo ra được loại đất ấy. Hạn mặn do biến đổi khí hậu tạo ra, tuy có gây hại cho việc trồng lúa. Nhưng mặt khác, nó cũng là cơ hội để chúng ta chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mục đích khác có hiệu quả, còn hơn là cứ phải loay hoay xuất khẩu gạo. Trước tình hình hạn, xâm nhập mặn nghiêm trọng như hiện nay, chúng tôi ủng hộ việc chuyển đổi một số diện tích lúa sang cây trồng khác.
Tuy nhiên, cần phải đặt ra một bài toán là: Một khi tình hình an ninh lương thực bị đe dọa, thì những diện tích đã chuyển đổi đó lại có thể trở lại trồng lúa được. Việc chuyển đổi này cũng được hiệp hội chúng tôi đặt ra với các thành viên, là phải đa dạng hóa bộ giống, đa dạng hóa kinh doanh. Bởi không chỉ lúa, mà với bất cứ loại cây trồng nào, thì giống chuẩn luôn luôn là điều quan trọng vào bậc nhất.
Một trong các địa phương chịu tác động của tình trạng xâm nhập mặn là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kiên Giang đã quy hoạch phát triển bền vững khoảng 80.000 ha lúa – tôm tại 4 huyện vùng U Minh Thượng là: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Mô hình đã phát triển được hơn 20 năm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với độc canh cây lúa trước đây. Hiện tỉnh đang tiếp tục quy hoạch chuyển đổi hơn 20.000 ha ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên (chủ yếu thuộc huyện Hòn Đất) từ 2 vụ lúa sang luân canh lúa – tôm.
Trong cơ cấu giống lúa, những năm qua, GKG 1 đã được ngành nông nghiệp Kiên Giang khuyến cáo đưa vào sản xuất cho những vùng chuyên canh, vùng nhiễm phèn mặn, đặc biệt rất thích hợp với vùng lúa – tôm.
Nông dân Trần Mậu Thân ở xã Đông Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang cho biết: “Giống lúa GKG 1 dễ canh tác, hơi kháng rầy nâu, đạo ôn, dạng hình đẹp, đẻ nhánh khỏe, cứng cây, chịu phèn mặn, khá. Nhờ ngắn ngày nên rất thích hợp cho sản xuất luân canh trên nền đất nuôi tôm, đỡ lo bị thiệt hại do mặn xâm nhập vào cuối vụ. Nếu thời tiết thuận lợi và được chăm sóc tốt, GKG 1 cho năng suất khá cao.
Không chỉ trong tỉnh, mà GKG 1 còn được sản xuất trên diện rộng tại các tỉnh, thành, như: Bạc Liêu, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ… với diện tích hàng chục ngàn ha mỗi vụ. Đa số nông dân sau khi sản xuất giống lúa này đều đánh giá rất cao, vì dễ canh tác, cho năng suất cao, đạt hiệu quả kinh tế.
Hoài Thu (T/h)