Biến đổi khí hậu khiến cảnh quan đỉnh Everest thay đổi bất thường
Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 17/01/2020
Các nhà khoa học tới từ Đại học Exeter ở Anh đã nghiên cứu các bức ảnh vệ tinh về sườn núi Everest thu được trong 2 thập niên qua và nhận thấy rằng trong nhiều năm, thảm thực vật phủ quanh sườn núi đã nhanh chóng mở rộng lên và đạt tới độ cao 5.500m. Sự tấn công của thực vật có thể đẩy nhanh đáng kể sự tan chảy của sông băng trên dãy Himalaya.
Cụ thể, họ phân tích các bức ảnh về sườn núi Everest và các đỉnh núi cao nhất khác của dãy Himalaya, được chụp từ năm 1993 đến 2018 với sự trợ giúp của tàu thăm dò khí hậu Mỹ Landsat.
Đỉnh núi Everest. Ảnh: AP
Kết quả, họ nhận thấy có sự lan rộng của thảm thực vật trên 4 khung độ cao từ 4.150m đến 6.000m so với mực nước biển. Những thay đổi nghiêm trọng nhất diễn ra ở độ cao 5000-5500 m. Người ta biết rất ít về các hệ sinh thái xa xôi và khó tiếp cận này, tuy nhiên, nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng diện tích mà chúng bao phủ lớn gấp 5-15 lần diện tích sông băng vĩnh cửu.
Sự tan chảy nhanh chóng của các sông băng ở dãy Himalaya hiện đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học – gần đây, họ cho thấy tốc độ của quá trình này tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2016. Mặt khác, các nhà khoa học cho rằng cần nghiên cứu hệ sinh thái của những phần của những ngọn núi gần đây đã không còn băng.
Sự gia tăng thảm thực vật cũng đẩy nhanh quá trình tan chảy của sông băng trên Himalaya.
Trên thực tế, tình trạng nóng lên toàn cầu, những nơi ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên sẽ là các vùng cực của Trái đất và sông băng trên núi. Nhiệt độ trên đó hiện đã cao hơn 4-9°C so với các thế kỷ trước, điều này có thể dẫn đến những thay đổi không thể đảo ngược khiến thu hẹp khu vực các vùng cực và sông băng. Dự đoán hiện tại của các nhà khoa học chỉ ra rằng vào giữa thế kỷ này, diện tích sông băng trên dãy Alps sẽ giảm 45%, bất kể nhân loại sẽ làm gì để chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Lê Mai (t/h)