Bến Tre: Nuôi xen canh tôm càng xanh – lúa thích ứng biến đổi khí hậu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:30, 01/03/2020
Trước tình hình đó, nhiều chương trình, dự án, mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu đã được triển khai, nhân rộng, trong đó có mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen ruộng lúa.
Hiện nay, huyện Thạnh Phú có khoảng 1.000 ha canh tác lúa – tôm càng xanh, trong đó lúa – tôm càng xanh toàn đực là 700 ha. So với tôm càng xanh thường thì hiệu quả mô hình lúa – tôm càng xanh toàn đực tăng khoảng 30%, giá cả ổn định ở mức cao, dao động 100.000 – 400.000 đồng/kg tùy theo cỡ tôm, thị trường tiêu thụ luôn ổn định. ư
Thấy được hiệu quả trên, các hộ dân vùng tôm – lúa cũng đã chuyển sang sử dụng giống tôm càng xanh toàn đực.
Mô hình đã cho hiệu quả bước đầu
Đối chiếu với các hộ dân ngoài mô hình, sau 6-8 tháng nuôi, lợi nhuận các hộ trong mô hình cao hơn 50-60 triệu/ha. Năng suất lúa đạt 3-4 tấn/ha, tăng khoảng 10% do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối và hợp lý, không sử dụng thuốc hóa chất và bán được giá cao.
Năng suất tôm đạt 550-600 kg/ha, tỷ lệ sống trên 60%, cỡ tôm 35-40 g/con, hệ số thức ăn ≤ 1. Sản lượng tăng khoảng 30% do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật bẻ càng, sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm cao, định kỳ thay nước trong quá trình nuôi.
Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc do không áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nên tỷ lệ sống thấp, kích cỡ tôm thu hoạch nhỏ, năng suất và giá bán thấp. Mặt khác việc bón phân thiếu cân đối đã làm chi phí sản xuất tăng lên.
Chính vì vậy hiệu quả kinh tế của các hộ ngoài mô hình là không cao. Vì vậy, để chuẩn bị cho những mùa vụ nuôi đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh toàn đực – lúc cho hộ dân trước khi xuống giống.
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre còn tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Từ đó nông dân được cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới, chia sẻ những kiến thức với các nhà khoa học, các chuyên gia và những kinh nghiệm thực tế sản xuất trong quá trình thực hiện mô hình.
Mô hình “Nuôi xen canh tôm càng xanh toàn đực – lúa” trong điều kiện biến đổi khí hậu bước đầu đã mang lại hiệu quả và hướng đến nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh nhằm giúp tăng thu nhập cho người nông dân.
Mặt khác, mô hình này cũng đã hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh giúp giữ vững và mở rộng thương hiệu “Lúa – gạo sạch Thạnh Phú” vốn đã được xây dựng trong nhiều năm qua. Qua đó, từng bước hướng đến xây dựng một nền sản xuất hàng hóa sạch góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo NNVN