Đề xuất gói hỗ trợ an sinh xã hội 61.580 tỉ đồng
Kinh tế - Ngày đăng : 12:14, 02/04/2020
Chi tiết dự thảo Nghị quyết thực hiện gói chính sách an sinh xã hội Thủ tướng đề cập hôm 31/3 vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư trình bày tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/4. Theo đó, tổng gói hỗ trợ dành cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dự kiến khoảng 61.580 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD).
Trong đó, 52.000 tỷ sẽ chi cho 6 đối tượng khó khăn trong tháng 4, 5, 6. Khoản này được lấy từ ngân sách Nhà nước (khoảng gần 36.000 tỷ,) Ngân hàng Chính sách (16.200 tỷ đồng). Ngoài ra còn có 2 chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp khoảng 9.500 tỷ đồng.
Gói an sinh xã hội cho 6 đối tượng
1. Hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng trong tháng 4, 5, 6 cho người có công đang hưởng trợ cấp, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
2. Hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong tháng 4, 5, 6 cho các đối tượng hộ nghèo (984.000 hộ), cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia theo danh sách đến ngày 31-12-2019.
3. Hỗ trợ 1,8 triệu đồng người/ tháng cho người lao động tạm dừng lao động, nghỉ không lương do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang làm việc tại các doanh nghiệp.
4. Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, tối đa thời hạn 12 tháng để hỗ trợ 50% mức lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động và có trách nhiệm trả phần tiền lương còn lại cho người lao động.
5. Hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu sẽ được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong tháng 4, 5, 6.
6. Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng cho người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có cam kết hợp đồng lao động và bị mất việc làm.
Dự kiến sẽ có 6 đối tượng nhận được hỗ trợ từ gói chính sách an sinh xã hội lên tới 61.580 tỉ đồng.
Quy mô của gói hỗ trợ an sinh này sẽ đặt vào 3 nhóm chính sách cơ bản.
Trước hết là huy động sự vào cuộc sâu rộng của xã hội, tập trung đáp ứng phục vụ nhu cầu của người dân về nhu yếu phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp giảm giá điện, giá nước.
Hai là tập trung miễn, giảm, dừng đóng bảo hiểm.
Ba là sử dụng nhóm chính sách hỗ trợ cho người lao động, người yếu thế để giữ họ, đảm bảo cuộc sống cho người lao động để sau dịch, họ sẽ trở lại thị trường lao động một cách tốt nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ thống nhất cao với nội dung dự thảo Nghị quyết, đồng thời nhấn mạnh đến nguyên tắc hỗ trợ là: chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19 gây ra.
Không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm nguyên tắc chia sẻ khó khăn, nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm, trong đó Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần với mức phù hợp với khả năng nguồn lực.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nguyên tắc: việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách…
Mai An