Kiên Giang: Ứng phó với dịch bệnh ở tôm nuôi nước lợ

Kinh tế - Ngày đăng : 11:00, 27/03/2020

Moitruong.net.vn – Dự báo, tình hình thời tiết thời gian tới sẽ rất khắc nghiệt, biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn (khoảng 7-10 °C), tôm dễ bị sốc, giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho mầm bệnh tấn công gây hại và bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch phát triển nuôi tôm nước lợ với diện tích 130.700 ha, sản lượng 85.000 tấn. Trong đó: tôm công nghiệp-bán công nghiệp là 3.200 ha, sản lượng 28.000 tấn; tôm – lúa 100.000 ha, sản lượng 47.000 tấn và tôm quảng canh – quảng canh cải tiến 27.500 ha, sản lượng 10.000 tấn.

Tính từ đầu năm đến nay, diện tích tôm nước lợ đã thả nuôi là 115.416 ha (đạt 88,3% so với kế hoạch, sản lượng thu hoạch 9.650 tấn (đạt 11,4% so với kế hoạch. Do ảnh hưởng diễn biến thất thường của thời tiết, dịch bệnh xảy ra, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 155,43 ha; trong đó, thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp và sốc môi trường.

Kiên Giang đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ứng phó với dịch bệnh ở tôm nuôi nước lợ

Để kịp thời ứng phó với tình hình bệnh dịch ở tôm nuôi, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho bà con, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố có nuôi tôm nước lợ và các đơn vị trực thuộc cùng các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác khảo sát nắm chặt tình hình tôm nuôi trên địa bàn.

Kịp thời cung cấp thông tin diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh để người dân nắm rõ, chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó. Thống kê đầy đủ, chính xác số liệu dịch bệnh tôm nuôi xảy ra trên địa bàn. Khi xuất hiện ổ dịch, cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn kịp thời phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y để tổ chức bao vây ổ dịch, xử lý môi trường, không để lây lan thành dịch trên diện rộng.

Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong công tác tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc tôm nuôi, quản lý môi trường ao nuôi trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và kỹ năng xử lý tình huống khi dịch bệnh xảy ra.

Xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh trên tôm nước lợ. Nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi; đảm bảo việc vận hành các cống ngăn mặn mang lại hiệu quả cao nhất.

Áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi ít thay nước phù hợp; chăm sóc và quản lý môi trường nuôi, đặc biệt là quản lý thức ăn, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học nhằm cải thiện chất lượng nước, góp phần hạn chế việc thay nước thường xuyên, giảm rủi ro, tiết kiệm chi phí sản xuất. Vùng không có điều kiện thì hạn chế thả giống hoặc thả giống chậm đón mùa mưa.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, thuốc thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Các hộ nuôi tôm cần theo dõi tình hình thời tiết, áp dụng các kỹ thuật nuôi tôm để cho hiệu quả, năng suất cao

Các hộ nuôi tôm chủ động nắm bắt thông tin tình hình thời tiết, hạn mặn, dịch bệnh xảy ra trên các phương tiện thông tin đại chúng và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật do cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Thả giống đúng theo khung lịch thời vụ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Thiết kế ao có bờ cao, chắc chắn để giữ mức nước thường xuyên trong ao ít nhất 50 cm (tính từ mặt trảng); sên vét mương rộng, thoáng để tạo không gian sống tốt cho tôm, tránh bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ dao động lớn giữa ngày và đêm. Thực hiện việc ương tôm giống trong ao ương hoặc vèo lưới khoảng 3- 4 tuần trước khi thả ra ao nuôi để hạn chế hao hụt. Cần bố trí ao dự trữ, xử lý nước để chủ động thay nước hoặc châm nước vào ao khi cần thiết (nhất là trong thời điểm khu vực nuôi có dịch bệnh, chất lượng nước cấp không đảm bảo).

Đồng thời thường xuyên kiểm tra ao nuôi để theo dõi, đánh giá biến động môi trường nước và hoạt động sống của tôm nuôi. Định kỳ bổ sung Vitamine c và một số chất cải thiện hệ thống miễn dịch (Bêta-glucan, Synbiotics,…) vào khẩu phần ăn để giúp tôm có khả năng chống chịu tốt với sự biến động bất lợi của thời tiết, môi trường và sự tấn công của tác nhân gây bệnh.

Khuyến khích áp dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nước, nuôi tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi để hạn chế việc thay nước trong điều kiện nguồn nước có độ mặn quá cao. Ngoài ra, cần chủ động vôi bột bón xung quanh bờ ao nuôi nhằm đề phòng hiện tượng rửa trôi phèn do những cơn mưa trái mùa xuất hiện, làm pH biến động lớn gây hại cho tôm.

Đối với những ao nuôi đã bị thiệt hại do dịch bệnh (nhất là bệnh đổm trắng), cần có thời gian cho ao nghỉ, bón vôi sống, phơi khô nền đáy trong khoảng thời gian ít nhất 30 ngày mới tiếp tục thả giống nuôi lại. Chuẩn bị nước thật kỹ theo đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khuyến khích thả tôm giống cỡ lớn, đã qua ương dưỡng giai đoạn đầu trong trường hợp này, nhất là dối với loại hình nuôi tôm-lúa, tôm quảng canh cải tiến. Giữ mối liên lạc thường xuyên với cán bộ chuyên môn đế biết thêm thông tin về tình hình thời tiết, hạn mặn, dịch bệnh và được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sản xuất.

Trương Anh Sáng

Trương Anh Sáng