Trung Quốc ngừng nhập khẩu thịt bò Úc sau đề xuất điều tra nguồn gốc Covid-19
Kinh tế - Ngày đăng : 00:30, 13/05/2020
Trong một động thái thổi bùng lên lo ngại căng thẳng giữa hai nước đang ngày càng leo thang, Trung Quốc vừa tuyên bố ngừng nhập khẩu thịt từ 4 nhà máy thịt của Australia.
Sản phẩm của 4 nhà cung cấp này chiếm khoảng 35% lượng thịt bò xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc, với tổng giá trị đạt khoảng 1,7 tỷ đô la Úc, theo đài truyền hình Úc ABC.
Trung Quốc cũng tăng thuế lên lên lúa mạch của Úc vì cáo buộc nước này bán lúa mạch sang Trung Quốc với mức giá thấp hơn chi phí, nghĩa là phá giá. Tạp chí tài chính Úc dẫn các tài liệu mật nói rằng Bắc Kinh định tăng thuế lên 73,6%.
Vài tuần gần đây căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia dâng cao sau khi Australia kêu gọi thực hiện 1 cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch do virus corona chủng mới gây ra. Trung Quốc cũng đe dọa sẽ áp thuế lên nhiều mặt hàng khác được xuất khẩu từ Australia.
Ảnh minh họa
Sau tin tức nói trên, cổ phiếu của Australian Agricultural, nhà sản xuất thịt bò và thịt gia súc lớn nhất nước, đã giảm 5,6%, mạnh nhất 6 tuần. Cổ phiếu của 1 Elders, công ty mua bán gia súc ở các thị trường Australia, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam, cũng giảm 6,9%, mạnh nhất kể từ ngày 23/5.
Theo Bộ trưởng thương mại Australia, lệnh dừng nhập khẩu xuất phát từ những nguyên nhân liên quan đến nhãn mác và chứng chỉ y tế. Hiệp hội thịt Australia cũng cho rằng đây là vấn đề liên quan đến “thương mại và tiếp cận thị trường”.
Là quốc gia phát triển phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất thế giới, kinh tế Australia sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nếu như mối quan hệ giữa hai nước xấu đi.
Úc và Trung Quốc vốn đã mâu thuẫn sau khi Úc áp thuế chống phá giá lên nhiều mặt hàng của Trung Quốc như nhôm và thép. Bắc Kinh cũng khó chịu với quyết định của Canberra về việc cấm tập đoàn viễn thông Huawei tham gia phát triển mạng 5G.
Đang có lo ngại căng thẳng này có thể dẫn đến việc hai nước đối đầu và ảnh hưởng đến thương mại song phương, với tổng kim ngạch 235 tỷ đô la Úc.
Bắc Kinh gọi động thái kêu gọi điều tra nguồn gốc virus là “có động lực chính trị” và đã cảnh báo có thể tẩy chay các sản phẩm của Australia.
Ngọc Ánh (t/h)