Chính phủ kiến nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, hoãn tăng lương cho cán bộ, công chức

Kinh tế - Ngày đăng : 10:30, 20/05/2020

Moitruong.net.vn – Chính phủ đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, xem xét tạm dừng tăng lương cơ sở từ ngày 1/7 để có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Sáng 20/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tác động của đại dịch COVID-19 là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế. Đại dịch không chỉ gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, dịch bệnh còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.

Biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dịch tả lợn châu Phi… cũng gây thiệt hại lớn ở nhiều vùng, địa phương, trong lúc tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.

“Trong bối cảnh đó, chúng ta tập trung thực hiện “mục tiêu kép” – vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân”, Thủ tướng trình bày.

Theo người đứng đầu Chính phủ, mặc dù gặp khó khăn, thách thức lớn nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế vẫn có những điểm sáng, nhất là duy trì được nền tảng vĩ mô ổn định và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH sau dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Chính phủ cũng nhìn nhận một số hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực. Đời sống của một bộ phận người lao động, người dân còn gặp nhiều khó khăn; triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm.

Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đã khiến ngưng trệ nhiều hoạt động văn hóa, xã hội trong thời gian khá dài. Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên không thể đến trường; các hoạt động văn hóa, lễ hội, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao bị hoãn, hủy.

Còn xảy ra tham nhũng, vi phạm pháp luật trong mua sắm thiết bị y tế. Khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm nhưng vẫn còn bức xúc ở một số địa phương. Tình hình an ninh, trật tự, tội phạm hình sự nghiêm trọng diễn biến phức tạp trên một số địa bàn…

Thủ tướng cho rằng so với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.

“Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu NSNN, bội chi NSNN, nợ công”, Thủ tướng nói và cho biết Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.

Cụ thể, cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án thành phần của đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).

Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Càng trong điều kiện khó khăn, chúng ta càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, cần đổi mới tư duy, phát triển, nâng cao năng lực, tìm mô hình phát triển mới, đón xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu. Chủ động tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng, song hành với sức mạnh nội địa của gần 100 triệu người dân.

Mai An

Mai An