Đề xuất mở rộng đối tượng lao động được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng
Kinh tế - Ngày đăng : 01:30, 03/07/2020
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung đã báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai gói an sinh xã hội, việc triển khai chính sách xã hội 6 tháng cuối năm.
Về thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng về thực hiện và triển khai gói an sinh xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhìn tổng quát các địa phương, các bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt.
Nêu khó khăn trong triển khai gói hỗ trợ, ông Dung cho biết do đối tượng đa dạng, dễ trùng lắp, một số địa phương do sợ sai nên thận trọng chậm phê duyệt, chậm triển khai, làm giảm ý nghĩa tính chất, ý nghĩa hỗ trợ.
Cạnh đó, một số địa phương khó khăn kinh phí nên phê duyệt rồi mà chưa hỗ trợ.
Đáng chú ý, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 là giáo viên các trường tư thục do những người này mất việc làm, ngừng việc làm nhưng chưa được hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Dung cho rằng việc điều chỉnh chỉ mở rộng thêm đối tượng này, còn kinh phí vẫn nằm trong gói 62.000 tỉ.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: VGP.
Tại cuộc họp này, ông Dung đề nghị Chính phủ nới lỏng điều kiện cho doanh nghiệp vay trả lương trong nhóm 16.000 tỷ đồng. Bởi tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay là không khả khi, vì không nguồn thu thì gần như phá sản, giải thể.
Với nội dung này, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ giao lại cho Bộ lao động, Thương binh và xã hội cùng Ngân hàng Nhà nước đề xuất Thủ tướng điều chỉnh tiêu chí này trong thời gian ngắn nhất để tiếp cận, đồng thời kéo dài thời gian cho doanh nghiệp vay đến 31/12/2020 nhằm kích cầu tiêu dùng và kích cầu sản xuất.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý điều chỉnh tiêu chí đối tượng trong gói vay 16.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Theo người đứng đầu ngành Lao động Thương binh và Xã hội, đến 29/6, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm được hỗ trợ với tổng kinh phí 17,5 nghìn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước đã giải ngân gần 11.300 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 11 triệu người và khoảng 6.200 hộ kinh doanh.
Cụ thể, hơn 10,8 triệu người có công với cách mạng, người được bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ gần 11.100 tỷ đồng. Khoảng 170.000 người lao động đã được hỗ trợ với kinh phí gần 176,2 tỷ đồng. Trong hơn 22.900 hộ kinh doanh thuộc diện hỗ trợ, khoảng 4.300 hộ đã được giải quyết với kinh phí trên 4,3 tỷ đồng.
Mai An