Đề xuất 2 phương án lương tối thiểu vùng năm 2021
Kinh tế - Ngày đăng : 09:00, 24/06/2020
Sáng nay 23-6, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức phiên họp lần thứ nhất (họp kín) với sự tham gia của 15 thành viên do ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, chủ trì để bàn về phương hướng tiền lương tối thiểu năm 2021 và một số dự kiến hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia.
Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất 2 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.
Phương án 1, khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).
Ảnh minh họa.
Phương án 2, thực hiện từ 1-7-2021 (lùi 6 tháng so với thông lệ các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020).
Theo chương trình, các bên tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ đánh giá, rà soát lại về tình hình kinh tế – xã hội từ đầu năm đến nay, nhất là ảnh hưởng từ dịch Covid-19 để có đánh giá chính xác về tiền lương tối thiểu vùng sao cho sát với thực tế.
Phiên họp thứ hai sẽ diễn ra vào khoảng tháng 9 và 10-2020 để thống nhất phương án.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa luận, trả lương cho người lao động. Mức lương này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Mai An (t/h)