Nghệ An: Nắng nóng gay gắt đe dọa nhiều diện tích lúa hè thu

Kinh tế - Ngày đăng : 08:00, 24/06/2020

Moitruong.net.vn – Theo dự báo, thời tiết nắng nóng trên địa bàn Nghệ An vẫn tiếp tục trong một vài ngày tới, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 38 – 40 độ C.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: “Thời tiết bấy lâu nay không thuận, nắng nóng kéo dài ít nhiều đã ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sinh trưởng của cây trồng. Trong bối cảnh đó, may thay một số nơi xuất hiện mưa giông nên áp lực giảm tải được phần nào.

Trước mắt các đơn vị chuyên môn và các địa phương phải gấp rút triển khai kế hoạch ứng phó, trong đó phải lưu tâm đến các phương án tưới, vừa đảm bảo tiết kiệm vừa duy trì tính hiệu quả”.

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Tiến Đức cho biết thêm: “Đối với các loại cây trồng phải bố trí phương án xử lý khác nhau, không rập khuôn. Như cây chè, nếu điều kiện cho phép nên sử dụng biện pháp tưới phun mưa, bằng không cần dùng hữu cơ để phủ gốc, đồng thời dừng khai thác nhằm tích lũy chất cho cây.

Nông dân Nghệ An gieo cấy lúa hè thu

Kế hoạch vụ hè thu năm nay, Nghệ An dự kiến triển khai 90.000ha, đến thời điểm này đã gieo cấy được khoảng 64.000ha, đạt 73%.

Nhìn chung các địa phương vẫn duy trì được lượng nước tưới cần thiết, kết quả trên có được là nhờ tỉnh đã chủ động xây dựng phương án và bám sát kế hoạch thời vụ. Dù vậy nếu mọi việc kéo dài, dự kiến 7.000 – 8.000ha lúa sẽ bị hạn nặng”.

Yên Thành, huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh, tình hình khá cam gho.

Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN-PTNT đi thẳng vào vấn đề: “Trên 1.300ha lúa bị khô hạn nặng, chưa kể khoảng 1.500ha không có nước để gieo cấy, lo nhất là những vùng sử dụng 100% nước hồ đập, điển hình như Kim Thành, Quang Thành hay Tây Thành.

Dự báo nắng nóng có thể kéo dài đến đầu tháng 7, lúc đó nhiều diện tích sẽ bị chết khô. Ngoài vấn đề sản xuất thì nhu cầu nước dân sinh cũng rất đáng quan ngại, nỗi lo kép khiến áp lực gia tăng gấp bội”.

Chính bởi thời tiết cực đoan nên dù lịch thời vụ đã qua cả tháng trời nhưng nhiều xã trên địa bàn huyện Yên Thành vẫn phải “bó gối” ngồi chờ. Nhiều hộ quanh năm suốt tháng gắn bó mật thiết với ruộng đồng, chỉ biết trông chờ vào cây lúa, củ khoai, nay gặp cảnh khốn khó chỉ biết ngửa mặt than trời.

Lúa hè thu trên địa bàn Nghệ An đang đối diện với nguy cơ thiếu nước trầm trọng. Ảnh: Việt Khánh

Từ thực tế trên, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT rất quan tâm để chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt một số biện pháp chủ yếu, gồm:

Một là, khả năng hạn, mặn rất dễ xẩy ra, vì vậy phải chủ động tích trữ nước, tiết kiệm nước tưới từ bây giờ bằng nhiều biện pháp đã được ngành NN-PTNT đề nghị.

Hai là, chỉ tập trung gieo cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng không quá 105 ngày trong vụ hè thu và không quá 110 ngày trong vụ mùa để thu hoạch sớm, nhằm hạn chế ảnh hưởng của mùa mưa, gió, bão, lụt cuối vụ.

Ba là, vùng đất sâu trũng, dễ bị ngập lụt khi có mưa to, các cơ sở sản xuất phải chủ động gieo mạ sớm, cây mạ có thể già tuổi để thu hoạch càng sớm càng tốt khi mùa mưa, bão, lụt chưa xuất hiện, chậm nhất phải được thu xong trước ngày 2/9/2020.

Bốn là, sản xuất vụ hè thu – mùa trong điều kiện nắng nóng và hạn hán nặng, thời gian sinh trưởng của tất cả các loại cây trồng ngắn lại. Vì vậy, để đạt được năng suất lúa cao phải đầu tư phân bón đủ, nhiều và chỉ nên tập trung phân bót lót đậm trước khi gieo cấy để cây lúa phát triển nhanh, mạnh, tốt trước khi làm đòng và hạn chế kéo dài thời gian sinh trưởng.

Năm là, trong vụ sản xuất hè thu – mùa bao giờ cũng là vụ sản xuất có nhiều loại sâu bệnh phát triển, nhất là sâu cuốn lá, đục thân, bệnh bac lá, bệnh khô vằn và hiện nay còn thêm cả nạn chuột, ốc bươu vùng phá hoại mạnh. Do đó trong chỉ đạo sản xuất, các cơ sở sản xuất phải chủ động phát triển sớm các đối tượng trên để phòng trừ ngay khi mới xuất hiện mới có hiệu quả.

Minh Trang 

Minh Trang