Chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại lúa

Kinh tế - Ngày đăng : 04:30, 19/08/2020

Moitruong.net.vn – Từ nay đến khi kết thúc vụ mùa (hết tháng 10) sẽ có 3 – 4 đợt áp thấp nhiệt đới kèm mưa to trên diện rộng xen kẽ những đợt nắng nóng oi bức. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho các loại sâu, bệnh trên lúa phát triển.

Việc gieo cấy vụ mùa trong giai đoạn lúa hồi xanh và đẻ nhánh, các đối tượng sâu bệnh đã bắt đầu gây hại, sớm hơn nhiều so với những vụ sản xuất khác. Tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, khi đi qua những cánh đồng không khó để bắt gặp những mảnh ruộng lúa bị khô, nhiều phần lá chuyển sang màu trắng, vàng nhạt và người dân đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen phương Nam, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, khô vằn, bạc lá…

 Tình hình sâu bệnh trên lúa.

Hiện nay, lúa mùa 1 vụ vùng cao trà sớm đang ở giai đoạn trỗ bông, phơi màu và trà muộn đang đứng cái, làm đòng. Lúa mùa vùng thấp trà sớm đẻ nhánh rộ, trà muộn hồi xanh. Theo nhận định của ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, các đối tượng sâu, bệnh hại năm nay gây hại sớm, ngay từ đầu vụ, nhất là sâu cuốn lá nhỏ trên lúa mùa vùng thấp.

Tuy nhiên, do được phát hiện sớm và phòng, trừ kịp thời nên cây lúa hồi xanh, đẻ nhánh và phát triển tốt. Ngoài ra, các loại sâu, bệnh như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn… gây hại rải rác trên nhiều trà lúa.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sâu, bệnh hại gây ra, các huyện, thành phố cần phân công nhiệm vụ, địa bàn cho từng cơ quan chuyên môn cấp huyện, xã trong chỉ đạo sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại cho lúa và cây trồng khác. Với những đối tượng như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn… cần chủ động phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không để bùng phát thành dịch, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Tăng cường chăm sóc, làm cỏ, bón phân cho lúa đã cấy; bón cân đối đạm, lân, kali và bổ sung thêm phân bón lá.

Hà An

Hà An