Lào Cai: Mô hình nuôi cá hồi trên núi của người H’Mông tại thị xã Sa Pa
Kinh tế - Ngày đăng : 03:33, 15/08/2020
Không chỉ nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên kì vĩ và khí hậu quanh năm mát mẻ, Sa Pa còn được biết đến qua món cá hồi đặc sản mà du khách khi tới Sa Pa ai cũng phải thưởng thức một lần. Khai thác nguồn nước lạnh trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, hơn 40 cơ sở nuôi cá hồi tại Sapa, Lào Cai thường đạt tổng sản lượng gần 400 tấn/năm. Lâu nay, sản phẩm thường chỉ được tiêu thụ tại thị xã du lịch Sapa tuy nhiên do dịch bệnh COVID-19, Sapa không có khách du lịch, việc vận chuyển cá hồi tươi đi xa khó khăn vì vậy cá hồi ế đọng, có lúc lên đến 250 tấn.
Cá hồi được nuôi trong môi trường nước lạnh và luôn có dòng chảy động trong bể
Hiện nay, hình thức nuôi cá hồi được áp dụng tại các cơ sở ở Sa Pa là trứng cá đã thụ tinh nhân tạo từ châu Âu. Sau khi trứng được nhập về sẽ được nuôi thả trong môi trường nước lạnh khoảng 1,5 – 2 tháng. Sau khi trứng nở thành cá con, cá con sẽ được ươm giống cho đến khi đạt khoảng 30 gram thì chuyển ra hồ nuôi thương phẩm.
Trong đó, nguồn nước nuôi cá được chú trọng nhất. Điển hình là mô hình hệ thống lọc nước tuần hoàn tại trại nuôi của anh Hải ở xã Ngũ Chỉ Sơn. Nước nuôi cá được bơm tái sử dụng qua hệ thống màng lọc, vừa tiết kiệm nguồn nước lạnh tự nhiên, vừa kiểm soát chất lượng nước, khống chế được dịch bệnh.
Gần đây, nhiều cơ sở nuôi cá hồi đã và đang nâng cao sản lượng cá hồi chế biến như cá hun khói, ruốc, pate cá hồi, dầu cá hồi hoặc cá hồi cắt khúc. Theo chủ cơ sở sản xuất, việc đa dạng hóa sản phẩm giúp cơ sở không phải tốn phí tiền thức ăn nuôi cá quá lứa. Hơn nữa, giúp tăng nhanh lượng khách tiêu dùng. Cá hồi Sa Pa được nuôi trong điều kiện hoàn toàn sạch nên đây được coi là đặc sản riêng có, hầu hết cá hồi của người dân tại đây đều được các nhà hàng trong thị trấn đặt trước.
Tuy nhiên, từ sau Tết các nhà hàng dừng thu mua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân rơi vào tình trạng lao đao, một lượng lớn cá hồi đã phải bán tại chợ và bán lẻ cho thương lái, nhất là trong giai đoạn Sa Pa ngừng đón khách du lịch từ ngày 18/3 – 31/3, giá cá hồi thời điểm này chỉ được bán ra với giá 150 nghìn đồng/kg.
Dịch COVID-19 đặt ra thách thức nhưng cũng chính là một phép thử cho nhiều nông sản để từ đó có những cách ứng phó bền vững hơn. Câu chuyện cá hồi Sapa cho thấy, việc có một hướng đi bài bản trong nuôi trồng, nâng cao chất lượng chế biến, tích cực liên kết tiêu thụ gần như là lời giải chung cho mọi thách thức.
Minh Anh