Bạc Liêu: Nuôi tôm thích nghi với biến đổi khí hậu

Kinh tế - Ngày đăng : 03:30, 14/08/2020

Moitruong.net.vn – Biến đổi khí hậu (BĐKH) như nắng nóng, bão lũ, hạn hán kéo dài, đặc biệt là gia tăng nhiệt độ tác động tiêu cực đến nguồn nước và sức khỏe tôm nuôi.

Nghề nuôi tôm thường xuyên chịu tác động của thời tiết và thiên tai do BĐKH gây ra các biểu hiện thời tiết cực đoan điển hình như bão lũ, triều cường, nước biển dâng, nhiệt độ tăng, sóng lớn, gió khô nóng. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động nuôi tôm, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Có những vùng nuôi, nhiệt độ mùa hè tăng 1,4 – 1,80C vào giữa thế kỷ 21; tăng 3,1 – 3,70C vào cuối thế kỷ 21.

Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hồ nổi tròn đạt tỷ lệ sống từ 70 – 90%.

Cùng đó là sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn. Mức tăng nhiệt độ này bắt đầu vượt ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái và gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đến sinh trưởng của tôm nuôi. Vào mùa mưa, lượng mưa tăng mạnh đã gây lũ lụt kéo theo những biến động môi trường lớn, độ mặn giảm đột ngột, khiến tôm mất thăng bằng, bị sốc, có thể gây chết hàng loạt. Hơn nữa có thể làm hư hại các công trình nuôi. Mùa khô đến sớm, hạn hán kéo dài, chất lượng nước nuôi kém, độ mặn tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm, làm tôm khó lột vỏ, ảnh hưởng trực tiếp năng suất nuôi.

Hiện tượng ô nhiễm môi trường và chất lượng nguồn nước diễn biến phức tạp, ngày càng khó kiểm soát, diện tích phát bệnh tăng đột biến, đe dọa việc nuôi tôm bền vững hiện nay. Có thể thấy BĐKH đã và đang có những tác động xấu đến nghề nuôi tôm Việt Nam.

Nếu chỉ xét về mặt kỹ thuật thì nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, thích nghi với biến đổi khí hậu, thuộc Chương trình “Thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL – MCRP” do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ ở ấp Thành Công, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu thực hiện khá thành công.

Bình quân mỗi hồ rộng 500m2. Vừa thu hoạch xong vụ tôm thứ 3 lãi khoảng 120 triệu đồng. Vụ tôm thả theo 3 giai đoạn, bình quân mật độ thả 150con/m2, sau 70 ngày nuôi tôm đạt trọng lượng 52 con/kg thu hoạch bán giá 98.000 đồng/kg, giảm từ 25.000 – 30.000 đồng/kg so với tháng trước.

Bên cạnh đó hệ thống biogas còn được thiết kế để xử lý chất thải và dành ra 1 ao 2.000 m2 thả 5.000 con cá rô phi dòng gif để xử lý nước thải. Cá nuôi chỉ sau 6 tháng đạt trọng lượng khoảng 700 gram đến 1 kg giá bán từ 25.000 – 35.000 đồng/kg cũng thu về cả trăm triệu đồng. Những năm gần đây tỉnh Bạc Liêu khuyến khích nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh nhằm ứng phó với thời tiết cực đoan, bệnh dịch, tiết kiệm chi phí đầu vào.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bạc Liêu, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh khoảng 140.000ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh trên 1.800 ha, diện tích mặt nước nuôi 185,22 ha, với 1.575 ao/ hồ nuôi. Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hồ nổi tròn đạt tỷ lệ sống từ 70 – 90%. Hạn chế được dịch bệnh xâm nhập vào khu nuôi do hạn chế bơm nước mới trực tiếp từ sông, rạch vào cũng như bơm xả ra môi trường bên ngoài.

Ngoài ra, những hình thức nuôi làm giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, thích ứng BĐKH được áp dụng tại các địa phương thời gian qua như: nuôi tôm cua xen rừng ngập mặn, nuôi xen canh rong câu, nuôi kết hợp cá nước lợ, cua ghẹ, nuôi luân canh tôm – rong câu, nuôi tôm – lúa. Ngoài ra, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao như: quy trình nuôi khép kín, nuôi tôm trong nhà kín, nuôi tôm vi sinh, nuôi theo công nghệ Biofloc… cũng đã khẳng định được hiệu quả, giảm thiểu rủi ro do thời tiết bất thường gây nên.

Minh Anh

Minh Anh