Phát triển Chính phủ số gắn với chuyển đổi số, xây đô thị thông minh
Kinh tế - Ngày đăng : 01:30, 08/08/2020
Hội nghị tham vấn doanh nghiệp về Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức.Dự thảo Chiến lược xác định rõ tầm nhìn phát triển Chính phủ số Việt Nam đến năm 2030 coi Chính phủ số là trụ cột trong mô hình phát triển kinh tế, xã hội, gắn kết Chính phủ số với kinh tế số, xã hội số, giúp Chính phủ có năng lực phục vụ và kiến tạo tới mức độ cá thể hóa theo nhu cầu của người dùng và doanh nghiệp, dựa trên phân tích dữ liệu để đổi mới quản trị hành chính công.
Bộ TT&TT sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Chính phủ số để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, trong dự thảo Chiến lược, Bộ TT&TT xác định việc xây dựng, phát triển Chính phủ số gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia theo các quan điểm: Chuyển đổi toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số; cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu, các công nghệ số để ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn, tạo nền tảng, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia;
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước; hình thành văn hoá số, người dân có thói quen sử dụng dịch vụ số;
Kết hợp hài hòa mô hình tập trung và phân tán; tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; các nền tảng dùng chung cho Chính phủ số phải được làm trước, làm tốt, làm tập trung sau đó nhân rộng; phát triển các nền tảng theo hướng dịch vụ có thể sử dụng tại mọi nơi, không phân biệt cấp chính quyền; Dữ liệu cần được quản lý như là tài nguyên quan trọng, được chia sẻ một cách tối đa trong các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
Mục tiêu kép là gắn phát triển Chính phủ số với phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ các công nghệ lõi, làm chủ các nền tảng mở phục vụ Chính phủ số; các doanh nghiệp có thể tham gia quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công. Cùng với đó, dự thảo Chiến lược cũng đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai để phát triển Chính phủ số Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tại Hội nghị, đại diện đến từ các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, FPT… đều bày tỏ sự nhất trí, đánh giá cao với nội dung dự thảo. Các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành và giữa các cơ quan Trung ương và cơ quan địa phương. Trên cơ sở quản lý và phân tích dữ liệu, các cơ quan Nhà nước mới có thể cung cấp những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị cần phải rà soát lại quy trình, chuyển đổi từ quy trình trên giấy sang quy trình số, cụ thể là quy trình làm việc, quy trình hồ sơ, quy trình giải quyết vụ việc.
Minh An