Người dân sẽ được mua điện bán lẻ trực tiếp từ năm 2024
Kinh tế - Ngày đăng : 12:00, 07/09/2020
Sáng 7/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, bám sát các quan điểm phát triển và đã đạt được nhiều mục tiêu quy hoạch đề ra…
Đặt 3 câu hỏi liên quan đến phát triển điện lực, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, giá điện đầu vào và bán ra chưa bám sát thị trường dẫn đến việc thu hút vốn vào lĩnh vực điện thấp. Cùng đó việc nhiều địa phương phản đối nhiệt điện than vậy quan điểm của Bộ Công Thuơng ra sao.
Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ việc bù giá điện giữa các nhóm khách hàng hiện nay và việc bù chéo này có phù hợp trong giai đoạn tới?
Trả lời các câu hỏi đặt ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn thừa nhận những sự chậm trễ trong công tác quy hoạch và dự báo sự phát triển các nguồn năng lượng mới có sự chậm trễ. Theo quy hoạch, dự báo đến 2020 có 600MW điện năng lượng tái tạo. Nhưng với sự bùng nổ của năng lượng tái tạo, các dự án đã phát triển rất nhanh. Việc chậm dự báo nguồn khí bị cạn kiệt cũng được cảnh báo trong các năm qua nhưng việc tìm các nguồn thay thế cũng bị chậm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Về việc giá điện đã theo cơ chế thị trường chưa, ông Tuấn Anh cho rằng, giá điện đang hướng tới các cấp độ triển khai hướng tới thị trường thông qua 3 giai đoạn. Theo đó, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay và giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. Như vậy, đến năm 2024, thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành đầy đủ.
“Khi đó, thị trường khi đó sẽ có tăng, có giảm. Nhà nước sẽ chỉ quản lý phí truyền tải điện, không can thiệp vào giá điện. Giá điện chỉ có tăng, không có giảm do từ 2011 đến 2020, chưa có cơ hội để đảm bảo cân đối, cơ cấu giá thành của các nhà đầu tư điện được tính đủ trong giá đầu vào. Thời gian qua, có sự giảm giá đầu vào của khí, gas nên chúng ta đã có sự giảm giá 10% giá điện thông qua việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đợt dịch COVID-19 vừa qua”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong quy hoạch điện VIII, việc triển khai các dự án điện than sẽ được quản lý chặt chẽ. Bộ Công Thương sẽ không đưa thêm nhiều dự án điện than vào quy hoạch. Các dự án sẽ được đánh gía đầy đủ về yếu tố môi trường. Cùng đó, sẽ có sự điều chỉnh về cơ cấu các nguồn điện trong thời gian tới.
“Không thể trút gánh nặng cho nền kinh tế khi các nguồn năng lượng giá thành cao ồ ạt đi vào hoạt động. Điện than sẽ được tính toán cùng các dự án điện khí để điều chỉnh cho phù hợp. Ngay cả giá điện bán lẻ tới chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Bộ KH&ĐT đánh giá đầy đủ tác động với người nghèo, với xã hội để đảm bảo công bằng cho các đối tượng khách hàng”, ông Tuấn Anh nói.
Trong thời gian qua, giá điện cho sản xuất thấp vì tỷ trọng đầu tư của Nhà nước cho các khách hàng sản xuất, đang chiếm 50% lượng tiêu thụ, không đòi hỏi đầu tư nhiều. Thực tế hiện có nhiều ngành như xi măng, sắt thép thâm dụng điện năng rất lớn, tạo gánh nặng cho nền kinh tế. Thời gian tới giá điện sẽ được xây dựng theo hướng hạn chế tình trạng này. “Đến 2024 sẽ không còn câu chuyện can thiệp về giá, không có chuyện bù chéo các mức giá điện giữa các vùng miền, các lĩnh vực”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Hoàng Anh