Giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em
Kinh tế - Ngày đăng : 05:30, 05/09/2020
Ở tất cả các nước, trẻ em chiếm đa số trong các số liệu thống kê đói nghèo. Nếu không nỗ lực giảm nghèo ở trẻ em, không giải quyết những thiếu thốn mà các em đang phải đối mặt, thì chúng ta có thể chấm dứt tình trạng nghèo đói hôm nay, nhưng không thể phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chiến đấu với nghèo đói ở trẻ em là đầu tư vào tiềm năng con người. Giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em chính là thực hiện đầy đủ quyền trẻ em được phát triển hết tiềm năng của mình.
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên Việt Nam hiện vẫn còn khoảng 4 triệu trẻ em bị thiếu hụt tiếp cận ít nhất hai dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, hội nhập xã hội và bảo vệ.
Giảm nghèo ở trẻ em là một giải pháp giảm nghèo bền vững
Đại dịch Covid-19 cũng làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo ở trẻ em bởi các em phải gánh chịu nhiều vấn đề gia tăng do trường học đóng cửa, bị cô lập tại nhà, thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nước sạch, vệ sinh,…Thêm vào đó, cha mẹ các em thường không có công việc ổn định trong khu vực phi chính thức tiếp tục gây ra tổn thương vì bạo lực và nguy cơ tái nghèo, suy dinh dưỡng,…
Bên cạnh những thành tựu về giảm nghèo mà đại đa số người dân nói chung và trẻ em nói riêng được hưởng lợi thì vẫn còn những đối tượng bị tụt lại phía sau, gồm: trẻ em ở nông thôn, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, trẻ em trong các hộ nghèo.
Unicef cho rằng, cần triển khai trên toàn quốc các hệ thống và các biện pháp an sinh xã hội thích hợp cho mọi người, bao gồm cả các chính sách an sinh xã hội và đến năm 2030 đạt được diện bao phủ đáng kể cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương. Trong đó, bao gồm an sinh xã hội cho trẻ em; trợ giúp xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; giảm nghèo toàn diện và bền vững và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Một trong những giải pháp được khuyến khích là cung cấp các gói trợ cấp tiền mặt phổ quát cho trẻ em. Đây được xem là bước đi quan trọng để mở rộng độ bao phủ, tăng mức hưởng và đẩy nhanh chương trình cải cách trợ giúp xã hội.
Ngoài ra, COVID-19 rõ ràng là một cuộc khủng hoảng quyền trẻ em – gián đoạn cung cấp dịch vụ thường xuyên tạo sức ép lên các gia đình phải chi nhiều tiền hơn cho chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, dịch vụ internet để học trực tuyến, chăm sóc trẻ em và phương tiện vận chuyển thay thế. Trong khi đó, rất nhiều cha mẹ bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Các gia đình đang nghèo sẽ càng nghèo hơn, các gia đình đang ngấp nghé thoát nghèo sẽ lại bị rơi vào cảnh nghèo. Nhiều gia đình sẽ phải vật lộn với cuộc sống để nuôi con, tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em và những vấn đề khác mà họ phải đối mặt. Các nhà kinh tế dự đoán rằng cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài, để phục hồi sẽ mất một quãng đường khá dài phía trước.
Theo dõi và báo cáo thường xuyên tình trạng nghèo trẻ em là hết sức quan trọng để bảo đảm các kế hoạch và chương trình chính xác và có mục tiêu được thiết lập nhằm chấm dứt tình trạng nghèo trẻ em và để theo dõi những tiến bộ đạt được. Một bước đi đầu tiên tích cực là sử dụng công cụ đánh giá nghèo đa chiều trẻ em để theo dõi tiến bộ đạt được so với các Kế hoạch phát triển quốc gia (SEDPs) và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Thiết lập cơ chế cung cấp số liệu thường xuyên là một bước đi then chốt để các nhà lãnh đạo có được thông tin đẩy đủ một cách kịp thời, để đưa ra những quyết định điều chỉnh chính sách và phân bổ ngân sách. UNICEF sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tiến trình này và rất mong Việt Nam sớm phê duyệt chính thức.
Hơn hết, giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em. Chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em và đẩy mạnh đầu tư cho tương lai của đất nước. Theo báo cáo mới được công bố của Viện Phát triển Hải ngoại (Overseas Development Institute) và UNICEF, các gói trợ cấp phổ quát cho trẻ em đã chứng tỏ hiệu quả làm giảm tỷ lệ nghèo. Đầu tư 1% GDP cho gói trợ cấp tiền mặt phổ quát cho trẻ em ở các quốc gia thu nhập trung bình có thể giúp giảm 20% nghèo trên toàn dân số.
Do đó, UNICEF khuyến khích Chính phủ Việt Nam nắm lấy cơ hội này để đẩy nhanh chương trình cải cách trợ giúp xã hội. Một bước đi quan trọng chính là sửa đổi chương trình hỗ trợ tiền mặt, mở rộng độ bao phủ và tăng mức hưởng. UNICEF cùng với các cơ quan Liên Hợp Quốc đang vận động Chính phủ xây dựng một lộ trình thực hiện theo các giai đoạn, trong đó ưu tiên hàng đầu cho tất cả trẻ em từ 0-3 tuổi vì đây là giai đoạn then chốt trong sự phát triển của trẻ em và dần dần mở rộng độ bao phủ đến cả những trẻ em lớn tuổi hơn. Cần ưu tiên xây dựng một hệ thống trợ giúp xã hội được trang bị một cơ chế tích hợp để có thể dự đoán và ứng phó với các rủi ro của biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh bùng phát.
Gói trợ cấp phổ quát cho trẻ em cần phải được đặt trong tổng thể và được hỗ trợ bởi các chính sách xã hội rộng lớn hơn, trong đó hỗ trợ tiền mặt và dịch vụ nhằm cải thiện phúc lợi của trẻ em – trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ khỏi xâm hại, bạo lực – tất cả đều hướng tới phát triển nguồn vốn con người có chất lượng. Điều cốt yếu là giảm nghèo trẻ em cần phải được đặt là trọng tâm trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, cũng như cần phân bổ ngân sách để thực hiện một cách hiệu quả.
Minh Anh