Hình thành 55 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đắk Nông
Kinh tế - Ngày đăng : 03:00, 04/09/2020
Thực hiện Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 – 2030, định hướng đến năm 2035, tỉnh Đắk Nông sẽ hình thành 55 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ cao gắn với các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh Đắk Nông
Theo đó, từ nay đến năm 2035, tỉnh Đắk Nông sẽ xây dựng khoảng 55 vùng đủ điều kiện đạt tiêu chí nông nghiệp ứng dụng CNC tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 28.636 ha. Cụ thể, hình thành 17 vùng cà phê (diện tích 15.600 ha); 11 vùng hồ tiêu (diện tích 6.420 ha); 2 vùng ngô (diện tích 600 ha); 6 vùng cây ăn quả (diện tích 1.800 ha); 2 vùng nuôi trồng thủy sản cá nước ngọt ao hồ nhỏ (diện tích 450 ha); 1 vùng sản xuất giống thủy sản (diện tích 20 ha); 5 vùng nuôi bò thịt, bò sinh sản (diện tích 2.226 ha); 3 vùng nuôi heo (diện tích 230 ha); 1 vùng nuôi gia cầm (diện tích 60 ha); 3 vùng sản xuất rau (diện tích 630 ha); 1 vùng sản xuất lúa (diện tích 400 ha); 1 vùng đậu tương (diện tích 200 ha) và 2 vùng nuôi cá lồng nước ngọt khoảng 800 lồng ứng dụng CNC.
Trên cơ sở đó, tỉnh đặt ra mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm ít nhất 60 đến 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh vào năm 2035.
Mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành 3 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Ưu tiên các vùng mà sản phẩm đã có các dự án, doanh nghiệp đầu tư hoặc đã sản xuất theo phương thức ứng dụng CNC; giá trị sản xuất nông nghiệp CNC chiếm từ 5-7% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh và ít nhất có 3 doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp CNC.
Giai đoạn 2021-2025: Hình thành và phát triển 20 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, nâng tổng số vùng lên 23 vùng vào năm 2025. Đưa giá trị sản lượng nông nghiệp CNC đến năm 2025 chiếm từ 20-25% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Dự kiến đến năm 2025 có thêm 3-4 doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp CNC.
Giai đoạn 2026-2030: Hình thành và phát triển thêm 20 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, nâng tổng số vùng lên 43 vùng vào năm 2030. Đưa giá trị sản lượng nông nghiệp CNC đến năm 2030 chiếm từ 35-40% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh và ít nhất có 10 doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp CNC.
Giai đoạn 2031-2035: Tiếp tục phát triển có hiệu quả 43 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC hiện có, từng bước mở rộng quy mô và đối tượng. Đồng thời hình thành và phát triển thêm 12 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC mới, nâng tổng số vùng nông nghiệp ứng dụng CNC lên 55 vùng vào năm 2035. Đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm ít nhất 60-70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Minh Anh