Cà Mau: Hàng trăm ha lúa bị thiệt hại nặng vì nhiễm mặn
Kinh tế - Ngày đăng : 04:30, 27/08/2020
Ở vụ hè thu năm nay, toàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có hơn 440 ha lúa bị thiệt hại, nhiều diện tích có nguy cơ bị mất trắng. Trong đó, xã Khánh Bình Tây có hơn 236 ha, với mức độ thiệt hại trên 70%; xã Khánh Hải có hơn 208 ha, mức độ thiệt hại từ 30- 70%.
Nhiều diện tích lúa ở xã Khánh Hải chết trắng, nông dân khóc ròng
Năm nay, gia đình ông Võ Hoàng Phăng (ngụ ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) xuống giống gần 2 ha, tổng số vốn đầu tư hơn 15 triệu đồng. Thế nhưng, hiện toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông đã bị thiệt hại gần như hoàn toàn, trên ruộng giờ chỉ còn cỏ năn sống được.
“Khi lúa lên được tầm một gang tay thì bắt đầu chết. Người dân ở đây cũng dặm thêm lúa để cứu nhưng không ăn thua”, ông Phăng ngao ngán nói.
Cùng cảnh ngộ, ông Võ Văn Khoai (ấp Kênh Giữa, xã Khánh Hải) cho biết, tháng này của những năm trước đây, ruộng lúa hè thu của ông đã bắt đầu có đòng đòng đất. Năm nay, dù đã tốn hơn 8 triệu đồng cho chi phí giống, cày đất, phân bón nhưng ông đành phải ngậm ngùi bỏ cả vụ.
“Mấy năm trước cũng từng xảy ra tình trạng tương tự, dù bị nhiễm mặn vào mùa mưa nhưng đã thất mùa 3 năm trời. Năm nay nước mặn vào ngay tháng hạn thì còn thiệt hại nhiều hơn nữa. Vụ này bỏ rồi đó, mà bỏ thì vụ sau cỏ, năn nhiều khiến chi phí lại càng nặng hơn”, ông Khoai bộc bạch.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích lúa hè thu bị thiệt hại là do vào đầu năm 2020, nước mặn đã rò rỉ qua cống Trùm Thuật Nam xâm nhập vào nhiều tuyến sông, rạch của xã Khánh Hải. Bên cạnh đó, với việc bơm bùn, đất ngoài biển vào phía bên trong để bảo vệ tuyến đê biển Tây, cũng đã gây ảnh hưởng đến một số diện tích sản xuất lúa 2 vụ ở xã Khánh Bình Tây.
Theo thống kê từ UBND xã Khánh Hải, vụ lúa hè thu năm nay toàn xã gieo sạ được hơn 3.700 ha. Đến thời điểm hiện tại có 208 ha lúa hè thu gieo sạ bị thiệt hại từ 30- 100% do ảnh hưởng của chân nước mặn và phèn. Cụ thể có 82 ha bị thiệt hại từ 30- 70%, có 126 ha bị thiệt hại từ 70- 100%.
Theo ông Ngô Văn Hường – Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, qua kiểm tra, xã cũng đã kiến nghị đến Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ kỹ thuật giúp bà con cách khắc phục, trong đó hỗ trợ bà con cách hạ phèn, giảm độ mặn, tỉa dặm lại tại những diện tích bị thiệt hại ít.
Đối với những diện tích bị thiệt hại trên 70%, sắp tới sẽ vận động bà con tiếp tục cải tạo đất để tiến hành gieo sạ. Riêng những diện tích bị nhiễm mặn, phèn dẫn đến thiệt hại, xã đã kiến nghị với các cơ quan cấp trên xem xét, có giải pháp hỗ trợ cho bà con.
Cống Trùm Thuật Nam bị xoáy bản đáy làm cho nước mặn xâm nhập sâu vào vùng ngọt hóa và thấm vào đồng ruộng. Ảnh: Chí Điển.
Được biết, cống Trùm Thuật Nam thuộc Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Tiểu vùng III- Bắc Cà Mau. Cống đưa vào sử dụng từ tháng 12/2016 với mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng do Công ty cổ phần phát triển Đô thị Hải Dương thi công. Đến thời điểm xảy ra sự cố vào giữa tháng 1/2020 công trình vẫn còn trong thời gian bảo hành.
Mặc dù ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã đắp đập tạm phía trong để ngăn nước mặn, nhưng đến thời điểm này cống Trùm Thuật Nam vẫn chưa được khắc phục khiến người dân lo lắng. Nếu không có giải pháp khắc phục tình trạng nước mặn thấm sâu vào nội đồng thì những thiệt hại sẽ còn tái diễn trong các vụ tới.
An Nhiên