Tìm hướng phát triển nông nghiệp bền vững tại Đồng bằng Sông Cửu Long
Kinh tế - Ngày đăng : 09:30, 25/08/2020
Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL cho rằng, dù đã đánh giá sớm tình hình hạn mặn 2019-2020 gay gắt và triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Tuy nhiên, toàn vùng vẫn có khoảng 41.900ha lúa Đông xuân thiệt hại; 6.650ha cây ăn trái bị ảnh hưởng; hàng ngàn héc-ta rau màu và hơn 8.715ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 96.000 hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt; sạt lở, sụp lún xảy ra tràn lan ở ĐBSCL… Điều này cho thấy thiên tai khó lường và chúng ta phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng.
Ảnh minh họa
Theo Bộ NN&PTNT, để phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với những thay đổi về điều kiện tự nhiên và thị trường thì cần tập trung xử lý các yếu tố nội tại, cùng với tài nguyên, con người, tiến bộ khoa học công nghệ… biến nguy cơ thành thời cơ và biến bất lợi thành lợi thế. Tới đây, cần ưu tiên phát triển chế biến và thương mại trong chuỗi giá trị nông nghiệp; trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tập trung giải quyết 3 nội dung là giống, thức ăn và chế biến. Phấn đấu đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất, thích ứng biến đổi khí hậu cho 3 ngành hàng chủ lực (thủy sản – cây ăn trái – lúa gạo); đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm ra thế giới.
Đối với chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 120 của Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống công trình theo mục tiêu “kiểm soát mặn, bổ sung ngọt”, sử dụng nước mặn thực sự là nguồn tài nguyên tại các vùng chuyển đổi phù hợp; tiếp tục chuyển dịch sản xuất từ “lúa gạo – trái cây – thủy sản” sang mô hình “thủy sản – trái cây – lúa gạo”. Mặt khác, đẩy nhanh đầu tư các công trình phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL…
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, giai đoạn từ năm 2016-2019, nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình khoảng 3%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân toàn ngành (2,7%/năm); nông nghiệp ĐBSCL đóng góp khoảng 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp của cả nước và 33,5% GDP chung của vùng ĐBSCL. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản ĐBSCL đạt trên 8,5 tỉ USD, chiếm 56,7% kim ngạch xuất khẩu chung của vùng và chiếm 20,1% kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước; trong đó gạo chiếm 80% kim ngạch gạo của cả nước, cá tra chiếm 95%, tôm chiếm 60% và trái cây chiếm 65%…
Minh Anh