Việt Nam đặt mục tiêu 2021-2025, tăng trưởng GDP 6,5-7%
Kinh tế - Ngày đăng : 08:00, 30/09/2020
Chiều 29/9, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đoàn công tác của Quốc hội làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ 2021-2015.
Theo đánh giá, GDP giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt khoảng 5,8%, dù năm 2020 dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế, đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm các nước cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.750 USD/người, cao gấp 1,3 lần so với năm 2015.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ giai đoạn 2016 – 2020 phát triển kinh tế – xã hội trên nhiều mặt chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu tính bền vững và chưa thu hẹp được khoảng cách với các nước trong khu vực.
Ảnh minh họa.
Mặc dù, còn nhiều khó khăn cho các mục tiêu cho giai đoạn tới, nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nêu một số mục tiêu dự kiến chủ yếu trong giai đoạn 2021 – 2025.
Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
Như vậy, mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, các mục tiêu bước đầu đặt ra cho giai đoạn 5 năm tới là khá tham vọng. Mục tiêu tổng quát là “bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 – 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”.
Đồng tình với các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần phân tích rõ bối cảnh ngay từ đầu, kể cả trong đánh giá nhiệm kỳ cũ, cũng như chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn tới.
Trong 5 năm tới, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, bối cảnh kinh tế – xã hội sẽ rất khác giai đoạn trước, nhất là sau Covid-19.
“5 năm qua, chúng ta đã triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong bối cảnh rất đặc biệt. 4 năm đầu, nền kinh tế vận hành khá trơn tru, nhưng năm cuối lại diễn biến khó lường, không tưởng tượng được. Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Có lẽ là từ đại khủng hoảng 1930 trở lại đây, chưa từng có như vậy”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Đó cũng chính là lý do khiến Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình cho rằng, trong xây dựng kế hoạch 5 năm tới, cần làm rõ hơn về yếu tố bối cảnh.
Hồng Nhân