Quảng Nam: Mô hình nông nghiệp thông minh cần được nhân rộng

Kinh tế - Ngày đăng : 09:01, 11/11/2020

Moitruong.net.vn – Mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu đã đạt được 2 mục tiêu quan trọng là thay đổi nhận thức và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.

Theo Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Quế Sơn ( tỉnh Quảng Nam), nhiều năm trở lại đây, việc trồng trọt của người dân trên trong huyện thường theo thói quen, bón phân, phun thuốc tràn lan, không tiết kiệm nước tưới đã làm tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế, ô nhiễm môi trường, dẫn đến phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu ảnh hưởng sức khỏe người nông dân và cộng đồng.

Canh tác theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu giúp cho người dân tăng được hiệu quả kinh tế.

Do đó, việc canh tác nông nghiệp thông minh theo mô hình CSA cơ bản giải quyết được những tồn tại trong tập quán canh tác tại địa phương, đảm bảo sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Trong năm 2019 và 2020 với 4 vụ sản xuất, được sự hỗ trợ kinh phí của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Quế Sơn đã tổ chức sản xuất 11 mô hình CSA nhân rộng chính với diện tích 555ha và nhân rộng đại trà 776ha trên cây lúa; 47ha mô hình CSA nhân rộng chính và 671ha nhân rộng đại trà trên cây màu tại các xã Quế Mỹ, Hương An, Quế Phú, Quế Xuân 1 và Quế Xuân 2.

Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, đối với cây lúa trong mô hình áp dụng phương thức sạ hàng với giống chất lượng đã giảm được lượng giống khoảng 30kg/ha/vụ so với ruộng ngoài mô hình. Cây lúa phát triển khỏe, giảm chi phí, giảm công chăm sóc và hạn chế sâu bệnh hại.

Còn đối với xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành có tổng diện tích đất sản xuất lúa 2 vụ là 720ha. Nông dân vẫn còn tập quán sạ lúa với mật độ dày (5 – 6 kg giống/sào), việc bón phân cho lúa thường không cân đối, nông dân bón nhiều phân urê. Cạnh đó, việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa còn tùy tiện làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái bị ô nhiễm…

Được sự hỗ trợ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành phối hợp với UBND xã Tam Xuân 2, HTX dịch vụ nông nghiệp Tam Xuân 2 triển khai thực hiện “Mô hình trình diễn các hoạt động CSA trong canh tác lúa” với mục đích giúp nông dân tiếp cận thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe của con người, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững.

Mô hình được triển khai trên diện tích 50ha, trong đó thôn Bích Ngô 25ha, Thạch Kiều 25ha với tổng số 212 hộ tham gia; Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành hỗ trợ kỹ thuật và 100% giống lúa Khang dân 18 cùng công cụ sạ hàng. Kỹ sư Hà Văn Tâm – cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết, kỹ thuật viên trung tâm đã giới thiệu cho nông dân nắm được mục đích triển khai mô hình, về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, đi sâu phân tích những giải pháp kỹ thuật được áp dụng trong mô hình như: chương trình “3 giảm 3 tăng” (ICM); kỹ thuật “1 phải 5 giảm”; phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM; kỹ thuật tưới nước tiết kiệm “Ướt – khô xen kẽ”… Qua đó giúp cho nông dân dần thích ứng được với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, đặc biệt giảm được lượng lớn phát thải khí nhà kính thông qua giảm được phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, không đốt phế phụ phẩm sau thu hoạch.

Để mô hình trình diễn các hoạt động thực hành CSA trong canh tác lúa tiếp tục đem lại hiệu, trung tâm đang khuyến khích nông dân mạnh dạn duy trì và ứng dụng mô hình cánh đồng CSA vào thực tế sản xuất cho những vụ tiếp theo; đồng thời vận động nông dân các địa phương khác cùng thực hiện. Cạnh đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ để nông dân tiếp tục duy trì mô hình này trong thời gian đến; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hướng dẫn phương pháp ủ phân vi sinh bằng nguyên liệu hữu cơ, đặc biệt là rơm rạ; tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng phân hữu cơ bón cho đồng ruộng, nhằm cải tạo độ màu mỡ của đất. Huyện Núi Thành cũng đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh tiếp tục hỗ trợ mở rộng mô hình CSA trên đại trà tại địa phương.

Minh Châu

Minh Châu