Ba Vì (Hà Nội): Triển vọng phát triển chăn nuôi đà điểu

Kinh tế - Ngày đăng : 11:35, 04/11/2020

Moitruong.net.vn – Tận dụng diện tích chăn thả rộng, chăn nuôi đà điểu đang phát triển mạnh đã và đang trở thành lợi thế của huyện Ba Vì, mang lại thu nhập cao cho người nông dân, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại huyện.

Hiện nay, bên cạnh những vật nuôi đang phát triển mạnh như: Bò sữa, bò thịt, gà đồi, lợn thịt với hàng nghìn hộ chăn nuôi; trên địa bàn huyện Ba Vì đã có hơn 200 hộ tham gia nuôi đà điểu. Là người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi đà điểu, anh Ngô Quang Nam – Thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa đang phát triển mô hình với quy mô 400 con, trên tổng diện tích 7.000 m2. Mô hình nuôi đà điểu hiện đem lại thu nhập cao, ổn định cho gia đình anh Nam và tạo việc làm cho 40 lao động địa phương.

Mô hình chăn nuôi đà điểu tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì đem lại thu nhập cao cho người dân.

Tại cơ sở chăn nuôi ở thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa, ngoài nuôi con đà điểu thương phẩm, anh Nam còn tập trung phát triển đà điểu sinh sản để sản xuất đà điểu giống nuôi thịt, cung cấp cho các hộ chăn nuôi tại địa phương. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Nam còn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ nông dân trong xã về kinh nghiệm chăn nuôi đà điểu. Để khuyến khích các hộ trong xã đầu tư nuôi đà điểu thương phẩm, anh hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y tới các hộ dân và bao tiêu đầu ra cho các hộ chăn nuôi.

Theo chia sẻ của các hộ dân, đà điểu dễ nuôi, lớn nhanh, ít dịch bệnh. Thức ăn của đà điểu chủ yếu là rau cỏ, cám, ngô, thóc… là những loại sẵn có, dễ trồng, dễ mua tại vùng nông thôn. Hơn nữa, đà điểu có sức đề kháng tốt, nguy cơ bị chết do dịch bệnh thấp. Tuy nhiên, chúng lại rất sợ tiếng ồn nên trang trại phải tách biệt với khu dân cư.Trên địa bàn huyện Ba Vì, mô hình chăn nuôi đà điểu tập trung nhiều nhất ở các xã miền núi như Tản Lĩnh, Vân Hòa, Ba Trại…

Thời gian sinh trưởng của đà điểu thương phẩm từ 8 – 10 tháng, đạt trọng lượng từ 80 – 100kg. Khi đà điểu được 2 năm tuổi sẽ bắt đầu đẻ trứng, chu kỳ 1 con đẻ 40 – 45 quả trứng/năm. Hiện nay, đà điểu có giá bán 90.000 – 110.000 đồng/kg hơi, 250.000 – 270.000 đồng/kg thịt. Đà điểu giống có giá 2,2 triệu đồng/con. Với mỗi con đà điểu, người chăn nuôi lãi khoảng 4 – 5 triệu đồng. Ngoài bán thịt, các hộ dân còn sản xuất giò đà điểu cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện.

Ba Vì có rất nhiều thuận lợi để phát triển mạnh nghề chăn nuôi đà điểu. Tại huyện có Trạm nghiên cứu chăn nuôi đà điểu Ba Vì hoạt động từ năm 1998 đến nay; cùng với đó huyện có diện tích chăn nuôi rộng, với những cánh đồng cỏ rộng lớn là nguồn cung cấp thức ăn sạch và khí hậu trong lành tạo điều kiện cho đà điểu phát triển khỏe mạnh.

Những năm gần đây các sản phẩm thịt đà điểu, giò đà điểu, trứng đà điểu đang là một trong những “thương hiệu” nổi bật của huyện Ba Vì; cùng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai Chương trình xây dựng mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tin rằng, ngành chăn nuôi đà điểu tại các xã trong huyện Ba Vì ngày càng được đẩy mạnh, giúp các hộ chăn nuôi đà điểu yên tâm, mở rộng quy mô chăn nuôi đà điểu phát triển bền vững.

Minh Châu

Minh Châu