Hà Nội: Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao
Kinh tế - Ngày đăng : 13:00, 27/11/2020
Bên cạnh mục tiêu tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi; phát triển chăn nuôi một số giống bò thịt cho năng suất, chất lượng, giá trị cao, việc phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao còn hướng tới cải thiện năng lực cạnh tranh ngành hàng thịt bò trên thị trường; hình thành và phát triển các chuỗi khép kín, các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò giống và bò thịt trên địa bàn thành phố.
Mô hình chăn nuôi bò thịt tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì) cho hiệu quả kinh tế.
Các vùng sản xuất bò giống hướng thịt chất lượng cao tại các xã chăn nuôi trọng điểm thuộc các huyện, thị xã có tiềm năng như Ba Vì, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Sơn Tây qua đó, nâng cao đời sống nông dân, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Trên thực tế, hiện nay sản lượng thịt bò của Hà Nội hàng năm mới chỉ sản xuất ra được khoảng 10 tấn. Vì vậy, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng gần 40.000 tấn thịt bò các loại. Trước hàng loạt vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hiện nay, thói quen của người tiêu dùng đã dần thay đổi. Nhiều người chấp nhận mua sản phẩm với giá cao, miễn là hàng hóa phải có chất lượng tốt, đáng tin cậy.
Do đó, các “cường quốc bò thịt” như Úc, Mỹ, Hàn Quốc… vào thị trường Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh đã chiếm lĩnh được thị phần. Điều đó cho thấy, tiềm năng của sản phẩm này trong nước còn rất lớn. Tuy nhiên, sản phẩm thị bò trong nước muốn tiêu thụ được phải nâng cao chất lượng, tuân thủ các quy định về ATVSTP. Để không bị “thua ngay trên sân nhà”, người chăn nuôi phải thay đổi cách nghĩ, cách làm và phương pháp quản lý.
Để tiếp tục nâng cao năng suất sinh sản và chất lượng bê giống, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp tiếp tục đề xuất Kế hoạch Phát triển đàn bò cái nền sử dụng tinh Senepol trong công tác sản xuất giống bò thịt trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Senepol là giống bò kiêm dụng theo hướng thịt sữa. Bò chịu được kham khổ, kháng được một số loại ngoại ký sinh trùng, có sức kháng bệnh cao, khả năng gặm cỏ tốt, bản tính ôn hoà, chịu nhiệt tốt nên phù hợp với việc chăn thả trên đồng cỏ. Việc sử dụng tinh bò Senepol phối với đàn bò cái nền lai Zebu hiện có để tạo ra con lai ưu thế và dần dần thay thế đàn bò cái sinh sản lai Zebu bằng đàn cái lai có 50 – 70% máu Senepol. Đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp với định hướng và quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi TP Hà Nội.
Minh Châu