Ba trụ cột tạo lực đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Kinh tế - Ngày đăng : 08:33, 27/11/2020

Moitruong.net.vn – Ngày 26/11, tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị báo cáo và tham vấn về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo một số Bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND và đại diện các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL.

Theo đó bản thảo của quy hoạch vùng là dựa trên nguyên tắc: Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, quan điểm phát triển bền vững ĐBSCL trên cả 3 trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường được xác định là quan điểm chủ đạo của cả quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng, phát triển; lấy thích ứng với BĐKH làm cách thức phát triển phổ biến.

Nỗ lực khai thác tối đa tiềm năng vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận: Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội là quan điểm mang tầm nhìn tích cực. Trong đó không xem ĐBSCL là vùng khó khăn mà ngược lại, cần coi BĐKH, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, điều quan trọng là con người vận dụng, điều chỉnh và kiểm soát chúng thế nào để phát triển. Trong một thời gian dài, vùng ĐBSCL phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị thấp, chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Trước bối cảnh cơ hội và thách thức mới, đã đến lúc vùng đất này phải thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung hơn; phát triển các trung tâm kinh tế, các đô thị động lực, tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho sự phát triển. Đầu tư là giải pháp tối quan trọng trong giai đoạn đầu của quy hoạch vùng, do vậy, cần thống nhất quan điểm tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu; phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững.

“Chúng ta đều hiểu rằng, vùng ĐBSCL không thể phát triển nhanh, bền vững nếu chỉ đi một mình. Do vậy, tăng cường liên kết là một quan điểm mang tính tất yếu, khách quan của quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL. Theo đó, cần xác định những định hướng và ưu tiên phát triển rõ ràng của toàn vùng và từng tiểu vùng. Mọi vấn đề lớn, quan trọng cần được giải quyết trong mối liên kết nội vùng, liên kết với vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, Campuchia, kinh tế biển (bao gồm cả Biển Đông và vịnh Thái Lan), tạo cơ sở để các địa phương trong vùng cùng hướng tới mục tiêu phát triển chung”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đánh giá cao kết quả công tác chủ trì, phối hợp của Bộ KH&ĐT trong xây dựng, hoàn chỉnh quy hoạch vùng ĐBSCL, ông Trần Việt Trường, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Quy hoạch vùng ĐBSCL được phê duyệt sẽ khai thác tối đa tiềm năng của vùng và biến những thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Minh Nhân

Minh Nhân